Tuyên Quang: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

23:28 08/03/2021

Những năm qua, huyện Na Hang đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa như: Duy trì và ổn định quỹ đất sản xuất nông nghiệp hiện có; gắn điều kiện riêng có về thổ nhưỡng khí hậu với việc ứng dụng khoa học công nghệ.

Những năm qua, huyện Na Hang đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa như: Duy trì và ổn định quỹ đất sản xuất nông nghiệp hiện có; gắn điều kiện riêng có về thổ nhưỡng khí hậu với việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có và đem lại những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. 

Ở Na Hang, du lịch và nông nghiệp luôn gắn kết với nhau, đây là hai lĩnh vực đi đầu, do vậy, huyện cố gắng phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào ngành du lịch của tỉnh Tuyên Quang.

Đồng thời huyện tích cực lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao để tạo ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của từng vùng, từng xã. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.300 ha chè đặc sản bao gồm các loại chè San Tuyết, chè Phúc Vân Tiên, chè Kim Tuyên; tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú, Thượng Nông, Khâu Tinh.

Ngoài ra, huyện còn có 100 ha lúa nếp địa phương tại các xã Côn Lôn, Thượng Nông, 15 ha vùng trồng rau ôn đới, trái vụ tại các xã Hồng Thái, xã Khâu Tinh và 400 ha đậu tương, đậu xanh, tập trung ở các xã phía Bắc của huyện… Đây là những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của các địa phương trên địa bàn huyện đã được các thị trường trong nước ưa chuộng và tiêu thụ rất tốt, đem lại thu nhập ổn định cho nhân dân.

Việc xây dựng những sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị đã đem đến cho Na Hang sức hút mạnh mẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến du lịch.

Khách đến với Na Hang không chỉ để tham quan và trải nghiệm cảm giác du lịch hồ trên núi (Hồ Thủy điện) mà còn để trải nghiệm các dịch vụ du lịch hấp dẫn gắn với bản sắc của đồng bào vùng cao, thưởng thức ẩm thực của người dân bản địa với những món ăn đặc sắc được chế biến từ những nông sản sạch của địa phương.

Theo đó, những sản phẩm đặc sản như rau sạch, thịt chua, măng rừng, thịt trâu khô và những rượu ngô thơm lừng lại trở thành những món quà quê hấp dẫn để du khách mang về biếu và giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp.

Đặc biệt, vừa qua, với diện tích khoảng gần 30 ha cây lê, xã Hồng Thái có nhiều đồi lê trổ bông trắng xóa núi rừng và đã thu hút hàng nghìn du khách đến thăm quan, chụp ảnh. Tại đây, du khách sẽ được đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên tuyệt đẹp, không chỉ với hoa lê, hoa cải, ruộng bậc thang, những cảnh khói lam chiều nơi miền sơn cước mà còn được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc về ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao Tiền.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển, trong thời gian tới huyện Na Hang chủ trương tiếp tục đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tích cực xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các tiềm năng, thế mạnh sẵn có về nông nghiệp.

Trần Đạt