Tổng cục Thuế: Nhiều ngành không ảnh hưởng đại dịch mà vẫn được giảm VAT là không công bằng

22:50 07/04/2022

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, nếu giảm VAT mọi lĩnh vực rất đơn giản nhưng sẽ không công bằng với mọi doanh nghiệp. Bởi có một số ngành trong đại dịch không bị ảnh hưởng.

Dự kiến, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nổi bật là chính sách giảm thuế VAT 2% khi áp dụng, sẽ khiến ngân sách hụt thu 49.400 tỷ đồng nhưng lại góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, những khúc mắc trong quá trình thực thi vẫn chưa tháo gỡ hết, doanh nghiệp vẫn rối bời trong ma trận hàng chục trang với hàng ngàn hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế VAT ban hành trong các phụ lục kèm theo Nghị định số 15. Nhiều ý kiến còn cho rằng thuế suất VAT nên giảm hàng loạt cho tất cả mọi sản phẩm, dịch vụ trong mọi ngành nghề, để gỡ khó khăn cho kế toán viên và doanh nghiệp. 

Nhiều ngành không ảnh hưởng đại dịch mà vẫn được giảm VAT là không công bằng
Ảnh minh họa.

Hồi đáp ý kiến trên, mới đây tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều mong mỏi giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong tất cả các lĩnh vực. Cơ quan quản lý cũng mong muốn chính sách áp dụng toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản hơn về thủ tục.

"Nếu giảm VAT mọi lĩnh vực rất đơn giản nhưng sẽ không công bằng với mọi doanh nghiệp. Bởi có một số ngành trong đại dịch không bị ảnh hưởng như: Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ngân hàng tài chính, bất động sản... Do đó, chúng ta phải loại trừ một số ngành nghề", ông Minh phân tích. 

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đặt vấn đề, chính sách áp dụng bắt đầu ngày 1/2/2022, đúng dịp Tết Nguyên đán liệu có sớm quá không trong khi, các Nghị định, Thông tư ban hành quá muộn, dẫn đến vướng mắc trong triển khai.

Chẳng hạn, doanh nghiệp thắc mắc có những hợp đồng đã thanh toán năm 2021 nhưng nộp thuế VAT vào năm 2022 có giảm không, nộp trước nhưng lại quyết toán sau, có được áp dụng giảm VAT hay không?

"Giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp liệu có xung đột quan điểm hay không?", ông Thân đặt câu hỏi và nói thêm, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thấy vấn đề thường phản ánh ngay nhưng đôi khi về logic, sự hợp lý lại không xem xét được toàn diện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, thuế VAT là nguồn thu ổn định trong ngân sách nhà nước, vì vậy, Chính phủ phải rất cân nhắc và mạnh dạn cắt giảm 2% thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, tính từ ngày 1/2/2022 cho đến ngày 31/12/2022, để kích thích sức mua, tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Do đó, trong thiết kế của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã đưa ra các phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế suất thuế VAT 8%.

PV