Tập đoàn Walton hướng tới mục tiêu lọt vào top 5 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu thế giới

18:40 05/09/2022

Trong khi công ty xuất khẩu sản phẩm sang 40 quốc gia và khu vực bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Đông, thì công ty cũng được biết đến nhiều nhất tại Bangladesh, nơi chiếm một nửa doanh số bán tivi của họ.

Tủ lạnh mang nhãn hiệu Walton tại một tiệm bán ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh. (Ảnh của Sumanta Chakraborty/ Nikkei Asia).

Tủ lạnh mang nhãn hiệu Walton tại một tiệm bán ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh. (Ảnh của Sumanta Chakraborty/ Nikkei Asia).

Tập đoàn Walton có thể không phải là một cái tên trong mảng kinh doanh thiết bị gia dụng nổi tiếng trên toàn cầu, nhưng tập đoàn đến từ Bangladesh đang hướng tới mục tiêu vươn mình vào top 5 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu thế giới trong vòng chưa đầy 10 năm tới, CEO của tập đoàn này cho biết.

Vào tháng 6, công ty có trụ sở tại Dhaka đã mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài đầu tiên tại Hàn Quốc.

Giám đốc điều hành Golam Murshed cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia: “Walton hiện đang trên đà để đạt được một chỗ đứng lớn ở các nước châu Âu. Công ty cũng đã quyết định mở văn phòng hoạt động ở châu Âu và Mỹ. Walton sẽ sớm phát hành các thiết bị tủ lạnh, máy điều hòa không khí và máy giặt dưới thương hiệu ACC". 

Giám đốc điều hành của Walton, Golam Murshed
Giám đốc điều hành của Walton, Golam Murshed.

Trong khi công ty xuất khẩu sản phẩm sang 40 quốc gia và khu vực bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Đông, thì công ty cũng được biết đến nhiều nhất tại Bangladesh, nơi chiếm một nửa doanh số bán tivi của họ. Công ty con Walton Hi-Tech Industries PLC của họ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Dhaka vào năm 2020 và là công ty lớn thứ hai trên sàn giao dịch theo giá trị thị trường.

Nhưng Walton, bắt đầu kinh doanh vào những năm 1970 với tư cách là một nhà nhập khẩu TV đen trắng, có những mục tiêu lớn hơn và đang thúc đẩy bằng một "lộ trình cụ thể" để đưa mình trở thành một trong những thương hiệu sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới vào năm 2030, Murshed nói.

Ông nói, kế hoạch này bao gồm "kế hoạch trung và dài hạn, liên quan đến việc thâm nhập thị trường trong và ngoài nước, sản lượng sản xuất và xuất khẩu, cũng như việc mở rộng thị trường xuất khẩu với sự hiện diện mạnh mẽ của thương hiệu Walton cùng với sự hài lòng của người mua toàn cầu".

Trở lại năm 2018, Walton bắt đầu xuất khẩu máy tính xách tay sản xuất trong nước sang Nigeria và vận chuyển điện thoại di động sản xuất trong nước cho một thương hiệu Mỹ, đồng thời mang sản phẩm với nhãn "Made in Bangladesh (Sản xuất tại Bangladesh)" ra thị trường nước ngoài. Nhưng đợt bùng phát dịch COVID đã cản trợ hai thỏa thuận, công ty cho biết.

Omar Nasif Abdullah, giáo sư chuyên ngành marketing và kinh doanh quốc tế tại Đại học North South ở Dhaka, cho biết: “Walton đã làm rất tốt trong việc thiết lập một hệ sinh thái sản xuất đồ điện tử và thiết bị gia dụng ở Bangladesh. Ban quản lý công ty đã khai thác vào sản xuất đồ điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng chất lượng cao và sau đó bắt đầu xuất khẩu chúng".

"Nhưng việc thực hiện bước nhảy vọt để cạnh tranh với các thương hiệu hàng đầu thế giới vẫn còn khá xa vời và nhiều trở ngại", Abdullah nói. Công ty sử dụng khoảng 21.000 nhân viên trên toàn cầu, đạt doanh thu 867 triệu USD vào năm ngoái - đây chỉ là một phần nhỏ so với các nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng lớn như Samsung hay Philips.

"Samsung tùy chỉnh các sản phẩm của mình dựa trên văn hóa và khu vực. Và sự tùy chỉnh đó là bắt buộc đối với tất cả các mặt từ sản phẩm, giá cả, bán hàng, kênh phân phối, quảng bá, quy trình và con người", giáo sư lưu ý. 

"Walton đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm công việc đó? Những gã khổng lồ điện tử toàn cầu đã đạt được những kỳ tích như vậy bởi vì họ đã mang lại những phát kiến ​​mới cho thế giới", ông nhận định.

"Việc Walton mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hàn Quốc là một dấu hiệu tốt. Nhưng phân cấp chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi họ phải thâm nhập vào nhiều thị trường toàn cầu hơn. Bao nhiêu trong số đó sẽ khả thi vào năm 2030 trong khi nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn lớn?", Abdullah nói.

Nền kinh tế toàn cầu đang lung lay và căng thẳng trở nên trầm trọng hơn khi Nga xung đột với Ukraine, điều này đã đẩy chi phí nguyên liệu và giá vận chuyển lên cao. Những điều này cũng đang tác động tiêu cực đến Bangladesh - cơ sở khách hàng chủ chốt của Walton, nước này đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng.

Murshed, 33 tuổi, cho biết: “Chi phí sản xuất đã tăng lên do giá nguyên liệu đầu vào cao hơn. Nhưng nếu chúng tôi tăng giá quá nhiều thì chúng sẽ vượt quá tầm với của khách hàng".

"Chúng tôi đang trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn nhưng tôi hy vọng tình hình sẽ sớm bình thường và những ngày tốt đẹp đang ở phía trước. Nếu công ty đang đi đúng hướng với các mục tiêu và đối phó với tình hình một cách kiên nhẫn, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể đạt được mục tiêu", Murshed chia sẻ. 

"Nếu như họ đủ sức mạnh để chiến thắng thì Walton sẽ có thể đi lên một tầm cao mới", Abdullah nói.

Lyly