Tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh phân urê

23:25 31/03/2022

Bộ Công Thương cho rằng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng đối với các doanh nghiệp trên thị trường phân urê.

Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, báo cáo nghiên cứu “Đánh giá cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân urê tại Việt Nam” của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra một số kiến nghị.

Về chính sách và pháp luật, thứ nhất, cần duy trì chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước (bao gồm doanh nghiệp nhà nước) tham gia công đoạn sản xuất urê, nhằm đảm bảo lợi ích của quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh phân urê
Tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh phân urê.

Thứ hai, cần duy trì cấu trúc thị trường sản xuất phân urê như hiện nay với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, trên công đoạn sản xuất, có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước thuộc hai Tập đoàn nhà nước do ngành sản xuất urê yêu cầu vốn đầu tư lớn, khó có doanh nghiệp trong nước có vốn ngoài nhà nước có năng lực tài chính đủ mạnh để tham gia vào công đoạn này.

Do vậy, việc duy trì các doanh nghiệp này trên thị trường là cần thiết, nhằm tạo nên các động lực cạnh tranh giữa các nhóm doanh nghiệp với nhau, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng cũng như của xã hội.

Thứ ba, cần xây dựng các chính sách liên quan đến giám sát hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp sản xuất, để ngăn chặn việc lợi dụng lợi thế về cấu trúc thị trường độc quyền nhóm nhằm thực hiện hành vi bóp méo cạnh tranh trên thị trường.

Thứ tư, cần xây dựng các chính sách giải quyết hiện tượng cung vượt cầu trên thị trường hiện nay, tạo động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy cạnh tranh.

Thứ năm, cơ quan quản lý chuyên ngành cần có các chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong sản xuất kinh doanh tại thị trường phân urê.

Song song với rà soát hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban quản lý vốn nhà nước) cần có sự giám sát sát sao, từ đó đưa ra các giải pháp, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trên thị trường.

Chính sách này vừa nâng cao hiệu quả về kinh tế trong tương lai đối với thị trường phân urê nói chung, vừa hạn chế thiệt hại về kinh tế đối với nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong việc xây dựng, thành lập nhà máy sản xuất.

Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo cũng kiến nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi thị trường phân urê. Do thị trường sản xuất phân urê tại Việt Nam có mức độ tập trung cao, tác động trực tiếp tới hoạt động trồng trọt của người dân, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng từ đó nâng cao phúc lợi xã hội là cần thiết.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng đối với các doanh nghiệp trên thị trường phân urê.

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên thị trường, cần chủ động nghiên cứu Luật cạnh tranh và các pháp luật liên quan và cập nhật thông tin một cách thương xuyên. Chủ động tham vấn với các cơ quan nhà nước hữu quan khi phát hiện các hành vi cạnh tranh có nguy cơ hạn chế môi trường cạnh tranh và tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Để phòng ngừa các yếu tố có nguy cơ dẫn đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp nên không đưa vào hợp đồng những quy định/điều khoản có thể dẫn tới các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như: Thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hay gián tiếp; Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp thuốc; Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường. 

Với thị trường có mức độ tập trung cao như thị trường phân urê tại Việt Nam, doanh nghiệp được khuyến nghị xây dựng chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh, hạn chế rủi ro kinh doanh do vi phạm pháp luật cạnh tranh.

PV