Sự kiện 11/9 đã thay đổi ngành hàng không như thế nào?

10:46 11/09/2021

Kí ức đau buồn về ngày 11 tháng 9 năm 2001 trong mỗi nạn nhân, trong mỗi cộng đồng có lẽ chưa bao giờ nguôi ngoai. Trong những chuyến bay trước đây, hành khách và gia đình có thể cùng tiễn tới cổng an ninh với những cái ôm bịn rịn, lời chia tay đong đầy nỗi nhớ. Tuy nhiên tất cả đã kết thúc kể từ khi 4 chiếc máy bay bị cướp đâm vào các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania.

Một trong những hình ảnh đầy ám ảnh ngày 11/0/2001
Một trong những hình ảnh đầy ám ảnh ngày 11/0/2001. (Ảnh: internet) 

Cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất trên đất Mỹ đã dẫn đến gia tăng các biện pháp an ninh và đôi khi là căng thẳng ở các sân bay trên khắp thế giới nhằm ngăn chặn tình huống tương tự lặp lại. Sự kiện đau thương cách đây 20 năm góp phần vào những thay đổi lớn nhỏ tái định hình ngành hàng không. Đối với hành khách, việc di chuyển bằng đường bay trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Hai tháng sau các vụ tấn công, Tổng thống George W. Bush đã ký đạo luật thành lập Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải, một lực lượng kiểm tra sân bay liên bang thay thế các công ty tư nhân mà các hãng hàng không đang thuê để xử lý an ninh. Luật yêu cầu tất cả các hành lý ký gửi phải được kiểm tra, cửa buồng lái được gia cố,...

Các biện pháp an ninh ra đời nhằm đối phó với những mối đe dọa mới. Hành khách được yêu cầu cởi bỏ thắt lưng và một số vật dụng khỏi túi đựng cá nhân đưa vào máy quét. Những thứ có sức sát thương như dao rọc giấy từng được sử dụng làm vũ khí ngày 11/9 đều bị cấm. Mỗi yêu cầu mới dường như làm cho các chuyến bay dài hơn, buộc hành khách phải đến sớm để thực hiện đầy đủ các lượt kiểm tra. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các giới hạn về chất lỏng vì chỉ cần một chút sai lệch có thể để lọt những vụ đánh bom. Cặp hành khách Ronald Briggs và Jeanne đợi tại sân bay quốc tế Dallas đáp chuyến đến London vào tháng trước chia sẻ: “Tình hình nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với ngày 11/0 nhưng chúng tôi đã quen rồi”.

Tuy nhiên, nếu hành khách không muốn chờ đợi những đợt kiểm tra khắt khe có thể đăng kí “chương trình dành cho khách du lịch đáng tin cậy” của PreCheck và Global Entry, trong đó những người trả phí và cung cấp thông tin cá nhân nhất định sẽ được qua các trạm an ninh mà không cần tháo giày, bỏ áo khoác ra khỏi túi. Nhưng sự tiện lợi phải trả giá bằng quyền riêng tư. Trong quá trình làm hồ sơ, PreCheck thu thập những thông tin cơ bản như nơi làm việc, quá trình làm việc, nơi sinh sống, dấu vân tay và đồng ý kiểm tra hồ sơ phạm tội. Do đó, những người ủng hộ quyền riêng tư đặc biệt bày tỏ quan ngại trước vấn đề này. Hơn 10 triệu người đã đăng ký PreCheck và cục an ninh TSA muốn nâng con số này lên 25 triệu. Mục đích là để các nhân viên của tổ chức có thể dành thời gian nắm bắt những đối tượng khả nghi, có nguy cơ lớn hơn.

Theo chỉ đạo của Quốc hội, TSA sẽ mở rộng sử dụng các nhà cung cấp tư nhân để thu thập thông tin từ những người nộp đơn PreCheck. Tổ chức hiện hợp tác với một công ty có tên là Idemia và có kế hoạch bổ sung thêm hai công ty nữa là Telos Identity Management Solutions và Clear Secure Inc vào cuối năm nay.

Thế nhưng không phải chính sách nào của TSA cũng được đón nhận. Nhiều nhân viên giới hàng không bày tỏ sự phẫn nộ khi cơ quan này từng đề xuất cho khách hàng mang dao gấp và các vật dụng bị cấm khác lên máy bay năm 2013. Ý tưởng này đã bị bác bỏ sau đó. Vào năm 2015, một báo cáo được công bố cho biết phía TSA đã bỏ sót rà soát tìm ra vũ khí hoặc vật liệu nổ do các thanh tra chìm mang theo tới 95% thời gian. TSA nhiều lần vướng phải chỉ trích của cả người dân lẫn chính quyền.

Xét cho cùng, trước khi có giải pháp triệt để, TSA vẫn đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh hàng không và hoạt động có hiệu quả. Trung bình có gần 2 triệu người ra vào các trạm kiểm soát TSA trong mùa hè. Đa số khách du lịch đều chấp nhận sự bất tiện như cái giá phải trả để đảm bảo an ninh trong một thế giới bất ổn định. Paila Gathings, hành khách đợi chuyến bay đến Qatar và Kenya đổ lỗi cho việc đi lại khó khăn là do đại dịch, không phải bộ phận an ninh: “Họ ở đó để đảm bảo an ninh, không phải để làm phiền tôi. Mỗi khi ai đó yêu cầu tôi tiến hành kiểm tra, tôi cho rằng là đều có lý do cả”.

Mặc dù trong quá khứ đã xảy ra một số sự vụ như một nhân viên vận chuyển hành lý của Delta Air Lines ở Atlanta đã bị kết tội sử dụng thẻ an ninh để buôn lậu hơn 100 khẩu súng trên các chuyến bay đến New York vào năm 2018; một thợ máy của American Airlines là tín đồ nhà nước Hồi giáo đã nhận tội phá hoại máy bay chở khách bằng cách làm tê liệt hệ thống đo tốc độ và độ cao;... nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ chẳng bao giờ có thể vô hiệu hóa tất cả các mối đe dọa. Ít nhất TSA đang làm mọi thứ với khả năng tốt nhất của họ.

TL