Nhiều nước đóng biên, xuất khẩu nhận thêm tin xấu

00:00 12/10/2020

Việc nhiều nước đóng cửa biên giới và sân bay đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào thế chân tường, khó chồng khó.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,77 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 4,98 tỷ USD, giảm 7,7%; Trung Quốc: 4,84 tỷ USD, tăng 3,7%; ASEAN: 3,54 tỷ USD, giảm 9,2%; Nhật Bản: 3,19 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc: 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.

Trước lo nguyên liệu, nay lo thị trường 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nước đã thông báo đóng cửa biên giới, sân bay, trong đó có 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU và Mỹ. Điều này đang tác động rất lớn đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

nganh-det-may-kho-them-kho-2592-15845277

Các doanh nghiệp dệt may lâm nguy khi nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực đóng cửa biên giới 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM cho biết, Mỹ và EU thị trường lớn nhất của xuất khẩu dệt may (chiếm hơn 70% thị phần xuất khẩu), nay tạm thời đóng cửa biên giới, sân bay, cũng như hạn chế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đã ký hợp đồng đến hết tháng 4, tháng 5, hợp đồng chung thoả thuận là cả năm. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên mới diễn ra đang tăng thêm khó khăn cho ngành.

Thực tế, một số khách hàng châu Âu, Mỹ đã thông báo với phía Việt Nam rằng đơn hàng nào chưa cắt thì không cắt, cái nào lỡ may thì ngưng để đó.

"Rõ ràng đây là khó khăn cực kỳ cho ngành may, trừ một số doanh nghiệp không lệ thuộc thị trường Mỹ, châu Âu thì đỡ hơn. Nhưng nói chung phần lớn doanh nghiệp may mặc Việt Nam bị ảnh hưởng", ông Hồng cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, trước đây doanh nghiệp lo nguyên liệu từ Trung Quốc không về được, nay nguyên liệu đã bắt đầu giao được thi thị trường nhập khẩu hàng hóa lại đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp dệt may do làm FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm) đã vay tiền nhập nguyên liệu về, nay không bán được hàng, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" do vừa phải trả chi phí nhân công, vừa phải chịu lãi vay ngân hàng. 

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể một sớm một chiều mà quay về thị trường nội địa do lâu nay chủ yếu làm công đoạn gia công. Chưa kể, dịch bệnh tác động cũng khiến người tiêu dùng trong nước hạn chế mua sắm quần áo.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, dịch Covid-19 lan rộng ra phạm vi toàn cầu khiến việc xuất khẩu bằng đường hàng không sang Mỹ, EU, Canada bị sụt giảm 70-80% do các hãng cắt giảm đường bay.

Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, 2 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản giảm ở hầu hết thị trường chủ lực. Các thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có dịch Covid-19 nên giao thương bị ảnh hưởng.

Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 935 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường chịu tác động mạnh nhất là Trung Quốc, kim ngạch giảm tới 46,8%, đạt 80 triệu USD; EU đạt 106 triệu USD, giảm 17,4%; Hàn Quốc đạt gần 90 triệu USD, giảm 16%.

Đại diện Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại dịch Covid-19 sẽ khiến người tiêu dùng thế giới, trong đó có châu Âu hạn chế mua sắm, dẫn tới ảnh hưởng đến những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

CTCP Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng do độ mở của nền kinh tế Việt Nam và sự lây lan nghiêm trọng của dịch Covid-19 trên toàn cầu nên mức tăng mà xuất khẩu đạt được trong 2 tháng đầu năm sẽ không kéo dài. Tăng trưởng xuất khẩu có thể âm trong các tháng tiếp theo khi tác động dịch bệnh được phản ánh đầy đủ.

Trong "nguy" có "cơ" 

Trước tình cảnh khó khăn trên, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM Phạm Xuân Hồng khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may nên chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang để phục vụ chống dịch Covid-19. Đồng thời, doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, kéo dài hoạt động bằng cách sản xuất cầm chừng chờ dịch được khống chế.

Đặc biệt, để đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cũng thay đổi cơ cấu sản phẩm. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Sao Ta đánh giá, dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng tại một số nước châu Âu thay đổi. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống. Vì vậy, công ty này sẽ nhắm vào những xu hướng đó để đáp ứng nhu cầu.

Với mặt hàng cá ngừ xuất sang thị trường Italia - điểm nóng bùng phát dịch Covid-19, Vasep cũng cho hay hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu rất nhiều cá ngừ tươi sống và đông lạnh sang thị trường này. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 đang khiến người dân Italia tích trữ rất nhiều cá ngừ đóng hộp vì có thể dự trữ trong thời gian dài. Xu hướng này sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Italia, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng để chuyển hướng sản phẩm.

Trước diễn biến tích cực từ thị trường Trung Quốc khi đã dần khống chế đại dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT cho biết đang tiếp tục triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi nước này kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch (thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc, như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiết thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu).

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, rõ ràng "nguy" với "cơ" đi gần nhau, do vậy doanh nghiệp cần nhìn nhận thách thức rõ nét sẽ tìm ra cơ hội mới. Việc chế biến ra bánh mỳ thanh long, bún dưa hấu vừa qua đã cho thấy khi gặp khó lập tức người Việt Nam không chỉ chuyển thị trường mà còn thay đổi cơ cấu chế biến.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Sáng tạo không nhìn ở giải cứu mà thể hiện trí sáng tạo của người sản xuất Việt Nam. Rõ ràng sự chuyển đổi của các doanh nghiệp chế biến rau quả khi sáng tạo ra nhiều công thức mới sẽ tích tiểu thành đại, giúp cho chuỗi giá trị nông sản không chỉ bán thô, mà đổi mới từng bước để ra giá trị sâu nhất".

Quan trọng hơn, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp không phải chỉ nhăm nhăm nhắm tới thị trường xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới thị trường trong nước - với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân. Thị trường này bền vững nhất, vì vậy chúng ta phải sản xuất ra nông sản tốt nhất.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tăng cường tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân. Tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân).

Lê Thúy