Năm 2023: Mục tiêu 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài

14:20 12/02/2023

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước cũng như tăng số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Ảnh minh họa
Người lao động nghe phổ biến pháp luật trước khi sang Hàn Quốc làm việc/ Nguồn ảnh TTO

Theo đó, sẽ tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài.

Chủ trương đưa người lao động đi nước ngoài không chỉ là giải quyết việc làm, mà thông qua đó, còn nâng cao chất lượng, trình độ người lao động, giúp người lao động học tập được các kỹ năng, kiến thức cũng như kinh nghiệm để sau khi về nước sẽ phát huy được kiến thức phục vụ cho sự phát triển đất nước. 

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Ảnh: VOV
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) Nguồn ảnh: VOV.

"Chúng tôi đang đề nghị với cấp có thẩm quyền tới đây, sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động trước khi làm việc ở nước ngoài, trong thời gian làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước, đặc biệt là đảm bảo người lao động khi về nước có thể khởi nghiệp, phát huy được các kỹ năng, kiến thức đã tiếp nhận được", ông Liêm cho biết. 

Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm: "Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai một số chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, như: Australia, Nhật Bản, Đức; nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là đưa lao động có trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngoài nước. Qua đó, nâng cao vị thế của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác gắn kết các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có định hướng cũng như tạo nguồn lao động, chuẩn bị nguồn lao động có chất lượng cao, trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng được kỳ vọng mà chúng ta đang đề ra".

Được biết, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trên thực tế, đã đưa hơn 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 159% kế hoạch. Trong đó, lao động đi làm việc tập trung tại một số thị trường chính như: Nhật bản; Đài Loan (Trung Quốc); Hàn Quốc…

Trong năm 2022, Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria… 

Với các quốc gia khác nhau thì bản thỏa thuận hợp tác sẽ khác nhau. Có quốc gia, 2 bên sẽ ký hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng có quốc gia bản hợp tác chỉ ký 1 đến 2 lĩnh vực như Đức về điều dưỡng viên và ngành có tính chất công nghệ cao như ô tô.

Hòa Lân t/h