Nợ xấu - một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng năm 2024

09:13 20/05/2024

Nợ xấu tiếp tục là thách thức lớn cho ngành ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận sự gia tăng nợ xấu, với 2/3 số ngân hàng niêm yết tăng nợ xấu hai chữ số.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng đã công bố, tổng nợ xấu đã đạt 224.146 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cuối năm 2023. Trong số này, 26/28 ngân hàng ghi nhận sự gia tăng nợ xấu so với cuối năm trước. Ngân hàng MB và BIDV là những ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất, với MB tăng 5.489 tỷ đồng (56%) và BIDV tăng 4.632 tỷ đồng (20,7%). Ngược lại, chỉ có VPBank và SHB cải thiện chất lượng nợ, giảm lần lượt gần 1% và 0,1% nợ xấu.

Theo Chứng khoán SSI, tỷ lệ nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024 do tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Các chuyên gia dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng nhẹ vào cuối năm 2024 do các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và kinh tế dự kiến phục hồi mạnh hơn.

Nợ xấu - một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng năm 2024
Nợ xấu - một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng năm 2024.

Công ty Chứng khoán ACBS cũng cho biết, nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng trong quý I/2024. Mặc dù tổng thể tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với giai đoạn đỉnh điểm của Covid-19, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 đang có dấu hiệu tăng đáng kể, cho thấy sự hình thành của một lớp nợ xấu mới.

Nợ tái cơ cấu đã giảm dần từ quý II/2020 đến quý I/2023, nhưng từ quý II/2023 đến nay, xu hướng này lại đang tăng lên. Trong khi đó, tỷ lệ LLR (dự phòng bao phủ nợ xấu) giảm nhẹ sau khi tăng vào quý IV/2023, cho thấy áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng vẫn còn lớn.

Nợ xấu tiếp tục là thách thức lớn cho ngành ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận sự gia tăng nợ xấu, với 2/3 số ngân hàng niêm yết tăng nợ xấu hai chữ số. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, vào cuối quý IV/2023, nợ xấu đã có sự cải thiện đáng kể khi lần đầu tiên giảm sau 8 quý liên tiếp tăng.

Các chuyên gia SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu.

SSI kỳ vọng, hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như: ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... hồi phục sớm hơn và ngược lại.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ được kéo dài thêm thời hạn đến hết năm 2024.

Lý giải lý do chỉ kéo dài thêm 6 tháng, Phó Thống đốc Tú cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Như vậy, trong năm 2024, các khách hàng vay của ngân hàng đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

P.V (t/h)