Mỹ: Lạm phát giá tiêu dùng tăng mạnh nhất kể từ năm 1981

15:43 15/07/2022

Lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng 6, mức tăng lớn nhất trong hơn bốn thập kỷ, khiến người Mỹ phải vất vả cân đối tài chính hơn để trả cho xăng, thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiền thuê nhà, thị trường phản ứng bằng việc định giá rằng FED sẽ nâng lãi suất 1% vào cuộc họp tháng 7.

Giá lương thực hàng năm đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2 năm 1981 (ảnh một cửa hàng hoa quả ở Philadelphia, nguồn: Hannah Beier)
Giá lương thực hàng năm đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2 năm 1981 (ảnh một cửa hàng hoa quả ở Philadelphia, nguồn: Hannah Beier).

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng hàng năm tăng cao hơn dự kiến ​​do mức giá tăng cao hơn đối với một loạt hàng hóa và dịch vụ khác, bao gồm xe có động cơ, quần áo và đồ nội thất gia đình. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao nhất trong gần 17 năm tính theo từng tháng.

Dữ liệu lạm phát theo sau báo cáo tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến ​​vào tháng 6 gợi ý rằng lập trường chính sách tiền tệ siết chặt chống lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ đã đạt được rất ít tiến bộ cho đến nay trong việc hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng và đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%. Với giá thuê tăng mạnh nhất trong 36 năm, lạm phát có thể trở nên cố hữu.

Mặc dù là một vấn đề toàn cầu, nhưng lạm phát cao vẫn là một rủi ro chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ của ông khi tiến hành cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11. 

Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, cho biết: “Bất chấp những ý định tốt nhất của Fed, nền kinh tế dường như đang chuyển sang một thời kỳ với lạm phát cao hơn. Fed thậm chí còn đi chậm hơn rất nhiều so vói lạm phát sau báo cáo nóng bỏng ngày hôm nay."

Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,3% trong tháng trước, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 9 năm 2005, sau khi tăng 1,0% trong tháng 5/2022. Giá năng lượng tăng 7,5% chiếm gần một nửa mức tăng của CPI. Giá xăng tăng 11,2% sau khi tăng 4,1% trong tháng trước. Giá xăng tại máy bơm kể từ đó đã giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục của tháng sáu. Giá khí đốt tự nhiên tăng 8,2%, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2005. Giá thực phẩm tiêu thụ tại nhà tăng 1,0%, tăng tháng thứ sáu liên tiếp với mức tăng ít nhất là 1,0%. Giá lương thực hàng năm đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2 năm 1981, trong đó giá năng lượng tăng mạnh nhất trong hơn 42 năm. Giá xe mới vẫn duy trì xu hướng tăng cũng như giá xe cũ và xe tải. Chi phí bảo dưỡng và sửa chữa xe cơ giới tăng 2,0%, cao nhất kể từ tháng 9 năm 1974. Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng 0,7%, với mức tăng kỷ lục trong chi phí dịch vụ nha khoa.

Xét cùng thời điểm năm ngoái, chỉ số CPI tăng 9,1% trong tháng 6/2022, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 1981 và theo sau mức tăng 8,6% trong tháng trước. Các nhà kinh tế học đã dự báo CPI sẽ tăng 1,1% và tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm ngoái, một con số khiêm tốn so với hiện thực.

Giá tiêu dùng đang tăng cao, được thúc đẩy bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và các gói kích thích tài chính lớn từ các chính phủ trong đại dịch COVID-19. Đụng độ quân sự đang diễn ra ở Ukraine khiến giá thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu tăng vọt, đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Các thị trường tài chính kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26-27 / 7 với một xác suất là gần như tuyệt đối dựa trên điểm của hợp đồng tương lai dự đoán lãi suất.

Nền kinh tế đã tạo ra 372.000 việc làm trong tháng 6, với một thước đo rộng hơn là tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp kỷ lục. Đã có hy vọng rằng sự thay đổi chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng thị trường lao động rất eo hẹp đang thúc đẩy tiền lương, làm tăng giá dịch vụ.

Áp lực lạm phát cơ bản đã tăng chóng mặt vào tháng trước. Nếu loại trừ các thành phần lương thực và năng lượng có nhiều biến động, chỉ số CPI đã tăng 0,7% trong tháng 6 sau khi tăng 0,6% trong tháng 5. Cái gọi là CPI cốt lõi được nâng lên nhờ chi phí thuê nhà, tăng 0,8%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4 năm 1986. Giá thuê nhà là một trong những loại lạm phát lớn nhất và khó kiểm soát nhất, điều này làm tăng nguy cơ Fed duy trì các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay, con đường kiểm soát lạm phát của Mỹ cũng như toàn thế giới vẫn còn nhiều chông gai phía trước.

Nguyễn Dũng