Kiến nghị làm thủ tục kiểm dịch trên hệ thống 1 cửa quốc gia

21:19 22/06/2021

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đã gửi Công văn góp ý Dự thảo Nghị định kiểm tra Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

 

Ảnh minh họa.

VASEP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét đưa vào Dự thảo Nghị định quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), vừa kiểm dịch cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống một cửa quốc gia, thay vì 2 cửa vừa nộp trên hệ thống một cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay để tháo gỡ một khó khăn lớn cho sản xuất, kinh doanh nhiều năm qua mà Nghị định 15/2018 chưa giải quyết được.

Các quy định về quản lý, phương thức, cơ chế đối với nhóm “kiểm dịch” và “vừa kiểm dịch, vừa kiểm ATTP” như hiện nay sẽ được trao đổi, thống nhất tại một văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các Thông tư của Bộ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Online, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP giải thích, các cải cách mới đã được thiết kế theo sát chỉ đạo tại Quyết định 38/2021/QĐ-TTg, bao gồm việc kiểm tra theo mặt hàng, kiểm tra theo mức độ rủi ro… do những cải cách này đã được thực tiễn chứng minh có hiệu quả tốt tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho thực phẩm, nay áp dụng nguyên tắc này sang các hàng hóa khác.

Đây cũng là cơ sở để VASEP và các hiệp hội thực phẩm đề xuất đưa vào Dự thảo Nghị định quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa kiểm dịch cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống 1 cửa quốc gia. Hiện nay, doanh nghiệp khi làm thủ tục sẽ phải nộp hồ sơ trên hệ thống một cửa, vừa nộp hồ sơ giấy.

“Chúng tôi cũng đề nghị các quy định về quản lý - phương thức - cơ chế đối với nhóm “kiểm dịch” và “vừa kiểm dịch, vừa kiểm an toàn thực phẩm” như hiện nay sẽ được trao đổi, thống nhất tại một văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các thông tư của Bộ này”, ông Nam cho biết thêm.

Thực tế là, thực phẩm có 2 nguồn, từ động vật và từ thực vật. Với nguồn từ động vật, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quy định (danh mục, phương thức kiểm tra, thủ tục…) tại 4 thông tư, trong đó, 2 văn bản cho động vật trên cạn; và văn bản cho thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản.

Vấn đề phát sinh là cả 4 thông tư này đều quy định “kiểm dịch nhập khẩu” hết. Như vậy, hầu hết sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc động vật (trên cạn, dưới nước) là thực phẩm đều đang phải thực hiện kiểm dịch theo phương thức và thủ tục riêng quy định trong thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học, hầu hết các sản phẩm dùng làm thực phẩm chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, VASEP cho rằng, với quy định hiện hành này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến ít nhất 70% thực phẩm sẽ không thuộc phạm vi của Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này đẫn đến bất cập lớn là cùng nhóm hàng thực phẩm, nhưng phải chia ra 2 loại thủ tục, 2 biểu mẫu khác nhau, làm ở 2 cửa khác nhau, 2 quy trình khác nhau.

Lâm Nghi (t/h)