Hòa Bình: Bao giờ chấm dứt tình trạng “Đất tặc” hành hoành

09:06 24/05/2022

Ngày 4/5, Kỳ họp thứ sáu (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nghiên cứu, xem xét 16 dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình. Trong đó, việc HĐND tỉnh Hòa Bình xem xét và quyết định thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung vào Quy hoạch nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp) là vấn đề được các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh hết sức quan tâm

Vì chưa có mỏ đất hợp pháp do các cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên đa số các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cần san lấp mặt bằng đều phải sử dụng “đất tặc”
Vì chưa có mỏ đất hợp pháp do các cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên đa số các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cần san lấp mặt bằng đều phải sử dụng “đất tặc”.       

Sau đó 5 ngày (ngày 9/5) tại hội nghị của UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện việc công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, một trong những nội dung kết luận tại hội nghị của ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình là “Yêu cầu Sở Xây dựng khẩn chương trấn chỉnh việc công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bổ sung ngay thông báo giá các loại vật liệu cho các công trình giao thông, thủy lợi chưa có trong danh mục, nhất là đất đắp cho các dự án. Sở Tài nguyên & Môi trường sớm xây dựng và ban hành quy trình tạm thời về san hạ mặt bằng lấy đất phục vụ xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh”, là nội dung được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, các đơn vị thành viên và các nhà đầu tư đánh giá cao. Nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình và ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương có thể coi là một quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án.

Từ lý giải của Sở Xây dựng Hòa Bình “Đến nay, Sở Xây dựng chưa ban hành được giá đất đắp cho các dự án vì trên địa bàn tỉnh chưa có mỏ đất hợp pháp được các cấp có thẩm quyền cấp phép, nên không có căn cứ để tổng hợp và thông báo giá đất đắp cho các dự án”, cho thấy đây là vấn đề hết sức bất cập trên địa bàn tỉnh đã kéo dài suốt 21 năm qua (kể từ khi tái lập tỉnh năm 1991 đến nay).

Trong thực tế, hầu như dự án nào cũng cần có đất để san, lấp xây dựng mặt bằng công trình, nhất là các dự án về giao thông, thủy lợi và các dự án ở vùng trũng thấp. Như vậy, từ trước đến nay vì chưa có mỏ đất hợp pháp nên hầu như toàn bộ đất đắp của các dự án đều là “đất tặc”. Trong dự toán các công trình chủ đầu tư chỉ tính công đào, đắp, vận chuyển, còn nguồn đất ở đâu, giá mua 1m3 đất là bao nhiêu tiền thì không được tính vào giá trị công trình.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình: Hầu như dự án nào cũng cần có đất để san, lấp mặt bằng. Thực tế, trong những năm qua, cấp có thẩm quyền mới chỉ cấp phép cho hộ dân san hạ cải tạo mặt bằng tại chỗ. Khi doanh nghiệp mua, vận chuyển đất để xây dựng mặt bằng công trình thì các cơ quan chức năng và báo chí lại vào kiểm tra, đưa tin. Biết là sai nhưng vẫn phải làm để đảm bảo tiến độ các công trình, dự án. Bên cạnh đó, đất đắp cho các dự án chưa nằm trong danh mục vật liệu được Sở Xây dựng thông báo giá nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất thiệt thòi khi hạch toán công trình.

Vì trên địa bàn tỉnh chưa có mỏ đất nào được các cấp có thẩm quyền cấp phép nên tình trạng “đất tặc” mặc sức hành hoành. Có cung thì ắt có cầu, vì vậy “đất tặc” không chỉ cung cấp làm vật liệu san lấp xây dựng mặt bằng cho các công trình, dự án trong tỉnh mà còn được khai thác và vận chuyển trái phép về Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình…Từ thực trạng này, xe quá tải ngang nhiên hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông, là nguyên nhân gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và còn tạo nên không ít tiêu cực trong một bộ phận lực lượng chức năng khi kiểm tra, xử lý việc san ủi, vận chuyển đất trái phép.

Qua tìm hiểu tại một số tỉnh mà các cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy phép khai thác đất làm vật liệu xây dựng như Phú Thọ, Hà Nam, Sơn La…cho thấy điều kiện, quy trình, thủ tục rất chặt chẽ và thời gian thẩm định, cấp phép phụ thuộc vào mức độ cải cách thủ tục hành chính của từng địa phương, đó là: Giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ.

Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau: Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

 Theo khoản 1 Điều 59 Luật khoáng sản 2010 thì hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 của Luật khoáng sản 2010… các doanh nghiệp đang khai thác đất ở các tỉnh này cho rằng từ khi chuẩn bị hồ sơ đến khi được cấp phép nhanh nhất cũng là 6 tháng.

Từ thực tế đó, việc ban hành quy trình tạm thời về san hạ mặt bằng lấy đất phục vụ xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình là hết sức cần thiết, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Các chủ đầu tư, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư mong muốn Nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung vào Quy hoạch nhóm khoáng sản đất làm vật liệu san lấp) đã được HĐND tỉnh thông qua sớm được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lưc thi hành để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đức Phượng - VPĐD Hòa Bình