Chứng khoán APEC theo vết xe đổ, thao túng thị trường chứng khoán

05:00 30/06/2023

Cổ phiếu "họ APEC" từng gây sốc trên TTCK với các chuỗi tăng trần liên tục. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường 11-2021, đại diện Chứng khoán APEC cùng cổ đông đọc "Lời tuyên thệ", hô “khẩu quyết" của người APEC". Và sự thực đã phơi bày...

Ông Nguyễn Đỗ Lăng (đứng) phát biểu tại phiên họp thường niên của Apec vào đầu tháng 6-2023. Ảnh: APEC
Ông Nguyễn Đỗ Lăng (đứng) phát biểu tại phiên họp thường niên của Apec vào đầu tháng 6-2023. Ảnh: APEC.

Tháng 11-2021, Chứng khoán APEC còn cùng hô vang “khẩu quyết của người APEC”, nay các cổ phiếu của đơn vị này “nằm sàn” la liệt, lãnh đạo Chứng khoán APEC bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán (TTCK). Nhiều cổ đông đặt nghi vấn cổ phiếu bị "thổi giá" nhưng ông Nguyễn Đỗ Lăng - tổng giám đốc CK APEC khi đó khẳng định như đinh đóng cột rằng công ty làm đúng luật, nếu phát hiện gian lận thì cam kết xử lý nghiêm.

Thì nay cơ quan chức năng đang xử lý nghiêm!

Chứng khoán APEC với đủ trò lừa dối

Sau đại dịch Covid-19, sau các vụ án thao túng TTCK của các “đại gia” làm ăn gian đối như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Thành Nhân…, TTCK đang trên đà hồi phục, thì APEC lại giẫm chân lên vết xe đổ của các “đại gia” này, gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường.  

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội ngày 22-6-2023 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng TTCK xảy ra tại Công ty cổ phần CK châu Á - Thái Bình Dương (mã CK: APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (mã CK: API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã CK: IDJ).

Trên TTCK, các mã CK API, IDJ và APS là các cổ phiếu thuộc “họ APEC” (APEC Group).

Ủy ban CK Nhà nước cho biết, việc tiếp tục, tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trên TTCK là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý và cơ quan chức năng nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hỗ trợ TTCK phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Sau đó, Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội thao túng TTCK, trong đó có ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc CK APEC. Ngoài ra còn bắt tạm giam bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng; bà Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng APS kiêm Chủ tịch HĐQT API và một phó phòng dịch vụ khách hàng của CK APEC.

Từ trái qua: Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc APS; ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CK APEC; bà Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng APS kiêm Chủ tịch HĐQT API
Từ trái qua: Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc APS; ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CK APEC; bà Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng APS kiêm Chủ tịch HĐQT API.

Ngay lập tức các nhà đầu tư nháo nhào bán tống các cổ phiếu "họ APEC", nhưng trắng bên mua. Khép lại phiên giao dịch 28-6, mã APS, API và IDJ lần lượt nằm ở giá sàn 10.600 đồng/cổ phiếu (cp), 9.300 đồng/cp và 9.800 đồng/cp, cách rất xa đỉnh giá đã lập vào gần hai năm trước. Trong ngày, bộ ba mã trên có tổng cộng gần 55 triệu cp bị dư bán, không có người mua. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp các cp hệ APEC nằm sàn.

Còn nhớ, cách đây gần 2 năm, bộ ba cổ phiếu "họ APEC" gồm APS, API và IDJ đã trở thành tâm điểm chú ý khi tăng đột biến hàng chục lần, từng "làm mưa làm gió" trên TTCK với các chuỗi tăng trần liên tục. Khi đó chỉ vỏn vẹn quanh mệnh giá 10.000 đồng, trong thời gian ngắn, tính đến giữa tháng 11-2021, mã API đã bật tăng mười lần lên giá hơn 100.000 đồng/cp. Sau khoảng 6 tháng, mã IDJ cũng bật tăng lên mốc gần 75.000 đồng/cp (+400%). Từ có giá chưa bằng ly trà đá, mã APS cũng vụt lên như một mã sáng rực khi đạt giá gần 60.000 đồng/cp.

Ba cp họ APEC tăng phi mã như vậy, giới đầu tư bắt đầu nghi ngờ và tất nhiên cũng không thể qua mặt các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo CK APEC liền dùng chiêu “che mắt thiên hạ” và với cả cổ đông, tại đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra cuối tháng 11-2021, đại diện CK APEC đã hướng dẫn cổ đông cùng đọc "Lời tuyên thệ của người APEC", với nội dung rất lạc quan, “lãng mạn”: "Ngày hôm nay, tôi bắt đầu một cuộc đời mới. Mọi thứ đến với tôi chính là một món quà. Tôi biết ơn và xin đón nhận tất cả, bằng một tình yêu thương vô tận. Tôi nguyện, cùng anh em nỗ lực từng phút giây, không ngừng cải tiến, đưa công ty trở thành doanh nghiệp (DN) sáng tạo nhất toàn cầu, đem tới giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tôi sẽ luôn sống trung thực và quyết tâm theo đuổi sự kỷ luật đến tận cùng, trong mọi suy nghĩ và hành động. Tại đây và ngay bây giờ, tôi cam kết với chính tôi và những điều tôi nói, với danh dự, tiền bạc và hạnh phúc của chính mình".

“Lãng mạn và quyết tâm” hơn nữa, sau đó lãnh đạo của cổ đông CK APEC còn "hô khẩu quyết của người APEC", gồm: “Sáng tạo - cống hiến - phụng sự - quyết tâm - gồng lãi”. Đồng thời hô hào: "APEC - Quyết tâm gồng lãi" (các cổ đông hô đến ba lần!).

Cũng giống như miệng lưỡi các “đại gia” từng có hành vi thao túng TTCK, ông Nguyễn Đỗ Lăng khẳng định công khai rằng công ty làm đúng luật, nếu phát hiện gian lận thì cam kết xử lý nghiêm. Cả ngay sau khi bị khởi tố vụ án hình sự thao túng TTCK, lãnh đạo cả 3 mã của CK APEC đều ra thông báo khẳng định không phải chủ thể có liên quan hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này… Đồng thời khẳng định sự việc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như đối tác.

Số phận của nhiều dự án bất động sản ngàn tỷ

APEC Group được biết đến là một tập đoàn đa ngành, lúc đầu hoạt động trên lĩnh vực đầu tư tài chính, sau đó là bất động sản (BĐS), được biết đang sở hữu nhiều dự án BĐS hạng sang quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cùng với đó là các công ty CK, nội thất, môi trường...

Tại “nhóm APEC”, ông Lăng hiện nắm giữ trực tiếp gần 12 triệu cp APS (tỷ lệ 14,3%), gần 16,5 triệu cp API (tỷ lệ 19,6%) và hơn 2 triệu cp IDJ (tỷ lệ 1,3%). Bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ Nguyễn Đỗ Lăng sở hữu gần 2 triệu cổ phiếu APS (tỷ lệ 2,02%), 8,2 triệu cổ phiếu API (tỷ lệ 9,82% và gần 6 triệu cổ phiếu IDJ (tỷ lệ 3,4%). Em ruột và con gái ông Lăng đang nắm hơn 800 nghìn cp APS, bố đẻ ông Lăng là ông Nguyễn Tiến Lộc nắm 440 nghìn cp API (tỷ lệ 0,52%) trong khi con trai ruột ông Lăng là Nguyễn Đỗ Đức Lâm nắm hơn 1 triệu cp IDJ (tỷ lệ 0,63%). Tổng lượng cp mà ông Lăng và gia đình nắm giữ trực tiếp gần 14,3 triệu cp.

 APEC Group và một số đơn vị thành viên tập trung đổ vốn vào bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, condotel. Hiện DN này đã triển khai hàng loạt dự án ngàn tỷ khắp các tỉnh thành, như tại Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế (2 dự án rất lớn), Bình Thuận, Ninh Thuận… Cùng với đó, còn có dự án khu công nghiệp Điềm Thụy Center Point (Thái Nguyên), cụm công nghiệp APEC Đa Hội ở Từ Sơn (Bắc Ninh).

Ngoài ra APEC Group cũng đang chuẩn bị triển khai các dự án APEC Mandala Wyndham Thái Nguyên, APEC Cao bằng, APEC Sầm Sơn Thanh Hoá. Đã có 3 dự án BĐS đi vào hoạt động là dự án APEC số 5 Túc Tuyên, trung tâm thương mại Ngã ba Bắc Nam đều ở Thái Nguyên và dự án APEC Mandala Hotel & Spa Bắc Ninh.

Hệ sinh thái APEC hiện còn rất nhiều hàng tồn kho. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API), cho thấy, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tồn kho của nhiều dự án như dự án Royal Park Huế hơn 290 tỷ đồng, KCN Đa Hội hơn 114 tỷ đồng, dự án Aqua Park Bắc Giang hơn 71 tỷ đồng, dự án Dubai Tower Ninh Thuận hơn 46 tỷ đồng; dự án Mandala Wyndham Phú Yên hơn 240 tỷ đồng, Aqua Park Bắc Giang tòa OCT8 hơn 170 tỷ đồng...

Ông chủ APEC Nguyễn Đỗ Lăng còn có tham vọng xây 10 triệu căn hộ “nhà ở xã hội 5 sao” với giá chỉ 10 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2021 - 2030.

Giờ đây số phận của những dự án ngàn tỷ đó như thế nào cũng dễ thấy.

Tình hình tài chính của hệ sinh thái APEC cũng không tốt. Tại báo cáo tài chính riêng quý I/2023 của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam, công ty liên kết với APEC, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tồn kho tại các dự án Mandala Wyndham Mũi Né hơn 1.285 tỷ đồng, dự án Diamond Park Lạng Sơn hơn 96 tỷ đồng; dự án Mandala Grand Phú Yên hơn 117 tỷ đồng.

Còn báo cáo của API cho thấy, tới cuối quý I/2023, DN này có chi phí sản xuất kinh doanh dang dở ở nhiều dự án BĐS như: Royal Park Huế (291 tỷ đồng), Khu công nghiệp Đa Hội (114 tỷ đồng), dự án Aqua Park Bắc Giang (71 tỷ đồng), Golden Palace Lạng Sơn (88 tỷ đồng), dự án Dubai Ninh Thuận (46 tỷ đồng), Mandala Phú Yên (240 tỷ đồng)…

Một hệ sinh thái lớn như vậy, thông tin CK APEC bị khởi tố vụ án thao túng TTCK, số phận của APEC rồi đây không khác gì nhóm Louis của Đỗ Thành Nhân, FLC của Trinh Văn Quyết.

Vết xe đổ của Đỗ Thành Nhân, Trịnh Văn Quyết

Khởi đầu ông Nguyễn Đỗ Lăng là nhà sáng lập và là Tổng giám đốc điều hành, APS chỉ là một công ty CK có quy mô nhỏ, với vốn điều lệ 390 tỷ đồng, chỉ tăng mạnh lên 830 tỷ đồng trong năm 2021 khi TTCK bùng nổ.

2021 là năm mà các công ty thuộc “họ APEC” khác như IDJ và API tăng mạnh vốn thêm 2-5 lần lên tương ứng 1.734 tỷ đồng và 840 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021 các cổ phiếu (cp) “họ APEC” nhiều thời điểm gây bão. Tháng 11-2021 cp của API có lúc lên gần 60.000 đồng/cp, cao gấp 6 lần trước đó khoảng 3 tháng. Tại đại hội cổ đông năm đó, đại diện API từng chia sẻ mức định giá 200.000 đồng/cp cho mã API trong dài hạn “không phải là đắt” nhưng sau đó lại giảm mạnh và tính tới 28-6-2023 chỉ còn 9.300 đồng/cp. Còn cp APS của CK APEC cũng có những biến động bất thường, từng tăng từ mức 5.000 đồng/cp lên 60.000 đồng/cp hồi tháng 11-2021, vẫn được cho là rẻ nhưng cũng như cp của APS sau đó giảm mạnh và hiện còn trên dưới 10.000 đồng. Còn cp của IDJ cũng tăng gấp nhiều lần trong năm 2021, đến nay cũng đã bốc hơi khoảng 70%, còn dưới 10.000 đồng/cp.

Những diễn biến của các cp thuộc hệ sinh thái APEC không khác những gì đã diễn ra với hệ sinh thái “họ Louis” của đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân và FLC của đại gia Trinh Văn Quyết. Trong năm 2021, khi thị trường sôi sục và tăng trưởng mạnh, hầu hết các cp lớn nhỏ, tốt xấu đều tăng giá mạnh. Nhiều cp tăng vọt một vài chục lần cho dù DN làm ăn chẳng ra gì. Nhóm cổ phiếu “họ Louis”, FLC nằm trong số đó. Lúc đó cp TGG của CTCP Louis Capital tăng hàng chục lần từ mức 1.200 đồng hồi đầu năm 2021 lên trên 75.000 đồng/cp vào tháng 7-2021 sau khi Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông của Louis Holding thâu tóm Đầu tư và xây dựng Trường Giang (TGG), rồi đổi tên thành Louis Captial. Mã BII (Louis Land) từ mức 1.000 đồng hồi tháng 7-2020 tăng vọt lên trên ngưỡng 34.000 đồng/cp vào 7-2021. Một mã khác thuộc “họ Louis” là Chứng khoán APG (APG) tăng từ dưới 5.000 đồng/cp hồi tháng 7-2020 lên gần 22.000 đồng/cp hồi tháng 10-2021,

Ngày 9-12-2022, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Trí Việt - TVSC (TVB), về tội thao túng TTCK căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB). Tháng 4-2022, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), ông Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc CK Trí Việt)… Các bị can đã dùng nhiều mánh khóe để thao túng giá cp TGG, BII và các mã CK khác.

Mới đây TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân mức án 5 năm 6 tháng tù.

Với thủ đoạn khác, tháng 3-2022, đại gia Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị bắt để điều tra hành vi “Thao túng TTCK”. Ngày 25-8-2022, Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Xây dụng FLC Faros và các công ty có liên quan, thông qua việc làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cp ROS trên sàn CK, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư hơn 6.412 tỷ đồng.

Vụ án thao túng TTCK liên quan đến Trịnh Văn Quyết rất lớn, cho đến mới đây, ngày 23-6-2023, Bộ Công an còn khởi tố thêm 15 bị can giúp sức Trịnh Văn Quyết “Thao túng TTCK” xảy ra tại CTCP Chứng khoán BOS, Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.

Làm mất lòng tin của nhà đầu tư

Trong lịch sử hơn 2 thập kỷ của TTCK Việt Nam, mức phạt nặng nhất về xử lý hình sự về hành vi thao túng TTCK đến thời điểm hiện tại thuộc về Công ty MTM khi nguyên Chủ tịch Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hồi tháng 5- 2019. Tuy nhiên hậu quả lớn nhất là làm mất lòng tin của các nhà đầu tư.

Các hành vi thao túng TTCK của các đại gia nêu trên không chỉ gây ra hậu quả nặng nề cho nhà đầu tư mà còn làm cho TTCK còn non trẻ của nước ta mất điểm trầm trọng trong mắt các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, trong tháng 5-2023, TTCK nước ta đã có những diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản. Thị trường vẫn cần thêm thời gian để phát triển tốt. Tính đến ngày 31-5-2023, chỉ số VN-Index chốt tại mức 1.075,17 điểm, tăng +26,05 điểm, tương đương gần 2,5% so với đầu tháng và gần 6% kể từ đầu năm 2023. Không chỉ có VN-Index, hai chỉ số chính trên sàn Hà Nội cũng tích cực trong tháng 5. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 5, HNX-Index đạt 222,81 điểm, còn UPCoM-Index đạt 82,05 điểm, lần lượt tăng gần 5% và 4% so với cuối tháng trước.

Nhưng với cú thao túng TTCK của CK APEC, TTCK đang chững lại và bị mất sức và chắc chắn cần có thêm nhiều thời gian để thị trường này hồi phục.

TTCK còn có những biểu hiện “méo mó”, lệch lạc thì nhà đầu tư mất niềm tin, nguy cơ mất kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Lưu Vĩnh Hy