Cẩn trọng chiêu thức dùng tài khoản "fake" trùng tên để lừa tiền trực tuyến

10:17 13/05/2024

Cơ quan công an cảnh báo, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các thông tin cá nhân của người dùng để tạo ra các tài khoản mạng xã hội giả trùng tên với các tài khoản ngân hàng khiến cho nạn nhân dễ dàng tin tưởng và chuyển tiền theo yêu cầu.

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội hoặc làm giả tài khoản mạng xã hội để nhắn tin hỏi vay mượn tiền người thân, người quen của chủ tài khoản là chiêu trò lừa đảo không mới. Một chiêu trò lừa đảo mới lại xuất hiện đó là tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền.

Cơ quan công an cảnh báo, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các thông tin cá nhân của người dùng để tạo ra các tài khoản mạng xã hội giả trùng tên với các tài khoản ngân hàng khiến cho nạn nhân dễ dàng tin tưởng và chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ lừa đảo.

Cẩn trọng chiêu thức dùng tài khoản
Cẩn trọng chiêu thức dùng tài khoản "fake" trùng tên để lừa tiền trực tuyến.

Đối với người dân khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, có một số điều cần lưu ý để tránh rơi vào các vụ lừa đảo như tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên:

Hạn chế đăng tải thông tin cá nhân quá nhiều trên mạng xã hội: Thông tin cá nhân quá nhiều và quá chi tiết có thể trở thành mục tiêu của kẻ gian để thực hiện các kế hoạch lừa đảo.

Cảnh giác khi nhận được tin nhắn vay tiền qua mạng: Trước khi chuyển tiền, cần kiểm tra và xác minh kỹ thông tin, có thể thông qua việc gọi điện lại trực tiếp cho người đề nghị chuyển tiền hoặc gọi điện cho người thân quen của họ để xác minh lại thông tin.

Sử dụng các biện pháp bảo mật đa thành phần: Các ngân hàng cần áp dụng các biện pháp bảo mật đa thành phần như xác thực dữ liệu sinh trắc học từ khâu mở tài khoản. Điều này giúp loại bỏ các tài khoản ảo và làm khó khăn cho kẻ gian.

Nâng cấp hệ thống phần mềm và quy trình quy định nghiêm ngặt: Các ngân hàng cần nâng cấp hệ thống phần mềm và các quy trình qui định từ khâu mở tài khoản cho đến xác thực tài khoản trong hoạt động thanh toán để đảm bảo chỉ có chủ tài khoản mới có thể thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến.

Sử dụng phần mềm phòng chống lừa đảo: Hiệp hội An ninh mạng quốc gia sẽ ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo cài đặt trên các thiết bị thông minh, giúp người dùng kiểm tra dấu hiệu lừa đảo trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, chỉ tính riêng trong quý I/2024, các lực lượng chức năng đã khởi tố 18 vụ liên quan đến hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Qua quá trình theo dõi, đánh giá tình hình loại tội phạm này, Công an TP. HCM xác định “khoanh vùng” các nhóm đối tượng với phương thức, thủ đoạn riêng. Cụ thể, đối tượng tạo lập các website, trang, hội nhóm với chủ đề, tên gọi có liên quan đến an ninh trật tự, sau đó tiến hành dụ dỗ, lôi kéo người thân tham gia các hoạt động phạm tội. Tội phạm mạng cũng thường xuyên sử dụng các công cụ, thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chiếm quyền quản trị tài khoản của cá nhân, tổ chức rồi tiến hành nhắn tin, lừa người thân, gia đình, bạn bè, đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng tội phạm mạng cũng tạo lập các hội nhóm để làm nơi dẫn dụ các nạn nhân tham gia các hoạt động như kiếm tiền trực tuyến, đầu tư tài chính, vay tiền trực tuyến… khiến nạn nhân thiệt hại về tài sản. Một hình thức khá phố biến khác là các đối tượng mạo danh, sử dụng thông tin, hình ảnh của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân và doanh nghiệp, khi gặp các loại tội phạm mạng hoặc phát hiện bất cứ thủ đoạn nào khác, nghi ngờ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý, tránh gây thiệt hại về tài sản một cách đáng tiếc.

P.V (t/h)