Giá dầu tăng giáng đòn kép vào kinh tế thế giới

12:51 15/02/2022

Giá dầu đạt mức 100 USD/thùng khiến suy giảm triển vọng tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát, đây cũng là vấn đề đáng ngại với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các nhà xuất khẩu năng lượng có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ về giá dầu. Tuy nhiên, thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn, trong khi sức mua bị bào mòn bởi lạm phát.

Theo mô hình của Bloomberg Economics, giá dầu tăng lên 100 USD/thùng vào cuối tháng này sẽ kéo lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng thêm 0.5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay.

Nhìn rộng hơn, JMorgan Chase cảnh báo rằng, nếu giá dầu tăng lên tới 150 USD/thùng, đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị chững lại, lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp 3 lần so với mục tiêu của các quan chức NHTW.

"Cú sốc giá dầu đã làm trầm trọng hơn nữa những lo ngại về lạm phát", ông Peter Hooper, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank AG, nhận định. "Khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm tốc là rất cao".

Giá dầu thô hiện cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời hòa chung vào đà tăng trên diện rộng của thị trường hàng hóa. Nguyên nhân là nhu cầu bùng nổ sau khi các nước trên thế giới chấm dứt lệnh phong tỏa, nguồn cung bị thắt chặt và xung đột Nga-Ukraine.

Đà tăng vẫn tiếp diễn trên thị trường dầu lên mức giá cao đáng kinh ngạc, nhất là khi xét tới việc giá dầu có lúc giảm xuống 0 USD/thùng cách đây 2 năm.

Nhiên liệu hóa thạch – dầu, than đá và khí thiên nhiên – đóng góp 80% năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu. Và chi phí của rổ hàng hóa này đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ, theo Gavekal Research.

Vivian Lau, Phó Chủ tịch Pacific Air Holdings, cho biết, khách hàng của bà đã và đang theo dõi giá dầu rất sát sao. "Giá dầu chắc chắn là một mối lo ngại", bà Vivian Lau - Phó chủ tịch Pacific Air Holdings - nhận định. "Giá dầu tăng vọt vào đúng thời điểm giá vận chuyển hàng không đang rất cao", bà nói thêm.

Các nhà kinh tế học cũng đang vẽ ra nhiều kịch bản. Goldman Sachs cho rằng, giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong quý 3/2022 và giá dầu tăng 50% sẽ kéo lạm phát lên trung bình 60 điểm cơ bản. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu tại các nước phát triển trong năm nay lên 3.9%.

Ông Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD/thùng, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0.1 điểm phần trăm vào năm kế đó.

"Lạm phát hiện ở mức cao nhất nhiều thập kỷ và triển vọng lạm phát vẫn rất bất ổn. Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng sẽ là đòn chí mạng đối với nền kinh tế toàn cầu", các nhà kinh tế tại HSBC nhận định trong một báo cáo mới đây.

Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới đến nay vẫn chứng kiến lạm phát thấp.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dễ bị tổn thương khi các hãng sản xuất đang chịu ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng cao và những lo ngại về tình trạng thiếu điện.

Khi áp lực giá cả cao hơn dự tính, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang ưu tiên chống lạm phát hơn hỗ trợ nhu cầu.

Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ đã tạo cú sốc lan ra mọi lĩnh vực. Ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất 7 lần trong năm nay, tức đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất so với những dự báo trước đó.

Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey cho biết, một phần lý do thôi thúc NHTW nâng lãi suất đến từ “cú sốc về giá năng lượng”. Chủ tịch NHTW châu Âu Christine Lagarde gần đây cho biết, các quan chức sẽ “xác định một cách cẩn thận” về tác động của giá năng lượng tới nền kinh tế.

PV