Đồng Tháp: Xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản chủ lực

20:32 30/08/2021

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tên địa danh; có ít nhất 05 vùng sản xuất nông sản chủ lực được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu.

Ngày 18/8, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phát huy sự chủ động của các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...) trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với nông sản chủ lực.

 Đặc sản xoài Cao Lãnh.

Theo đó, tỉnh phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tên địa danh; có ít nhất 05 vùng sản xuất nông sản chủ lực được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, bao gồm: Vùng sản xuất xoài xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh; vùng sản xuất trọng điểm cây có múi 03 xã: Tân Thành, Long Hậu, Tân Phước (huyện Lai Vung); vùng sản xuất màu trọng điểm, xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò); vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển (huyện Tháp Mười); vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân (huyện Châu Thành).

Cùng với đó là triển khai thực hiện quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài, chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen trở thành thương hiệu quan trọng của tỉnh, hướng tới xây dựng thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU, Trung Quốc, Nhật Bản; xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp v.v..

Các nông sản chủ lực ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu gồm: Lúa - gạo, xoài, hoa - kiểng, cây có múi, nhãn, khoai lang, sen, kiệu, khoai môn; cá tra, cá điêu hồng, cá sặc rằn, khô cá lóc, lươn, vịt (trứng).

 Trần Đạt