Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng: “Doanh nhân thì không nên chờ đợi cơ hội, mà phải tạo ra cơ hội”

15:29 11/08/2021

Có được thành công như ngày hôm nay, ông Nguyễn Tiến Dũng đã phải nỗ lực rất lớn, nhất là vào thời điểm Công ty mới thành lập. Ông đã có tới 3 lần khởi nghiệp và lần nào cũng thất bại, khiến nhiều người không còn tin tưởng. Vậy mà, bằng tài năng kinh doanh thiên bẩm, ông Dũng đã chèo lái con thuyền Khoáng sản công nghiệp Yên Bái đi đến thành công...

Ông Nguyễn Tiến Dũng là người con của vùng đất Phù Cừ (Hưng Yên), xuất thân từ gia đình bố mẹ đều làm nhà giáo, nhưng ông lại sớm chọn cho mình theo nghiệp kinh doanh, Ông tự nhận mình có “máu kinh doanh” từ nhỏ. Nói đúng hơn, ông có giấc mơ làm giám đốc từ thuở thiếu thời. “Mong ước hồi nhỏ đó đã biến thành đam mê kinh doanh từ lúc nào không biết”, ông Dũng nói. 

Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng. Nguồn: Internet
Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng. Nguồn: Internet.

Ông Nguyễn Tiến Dũng kể, trước khi làm sếp, ông cũng phải trải qua nhiều công việc khác nhau, từ tư nhân đến nhà nước, chẳng nề hà điều gì. Với bản tính tận tụy, năng nổ, nhiệt tình và quyết tâm, chàng trai sinh ra ở mảnh đất khoa bảng Hưng Yên sớm trở thành giám đốc thật. Chỉ sau khi ra trường 3 tháng, từ một nhân viên kinh doanh, ông đã được giao nhiệm vụ làm Giám đốc chi nhánh Hà Nội, sau đó làm Giám đốc chi nhánh tại Lạng Sơn của một công ty sản xuất đệm mút. Trong thời gian này, nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh, nên ngoài giờ làm, ông Dũng lên phương án xuất nhập khẩu nông sản quy mô nhỏ và nhiều mặt hàng khác nhau.

“Tuy nhiên, sau một năm thì việc làm ăn không như mong muốn. Tôi dần nhận thấy kinh doanh không đơn giản và bằng phẳng như mình vẫn nghĩ. Nhưng đồng thời, tôi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm điều hành sản xuất, và chưa khi nào, tôi hết đam mê với kinh doanh”, ông Dũng tâm sự.

Nhưng do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên chỉ một thời gian sau, ông thất bại, bỏ về quê, xin vào biên chế nhà nước.

6 năm sau, khi kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được đã khá đầy đặn, cũng là lúc “máu kinh doanh” trong ông trỗi dậy mãnh liệt. Năm 2009, giữa lúkinh tế trong nước chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, “chân trong” nhà nước quý như vàng, thì ông lại nộp đơn xin rút khỏi biên chế. Lúc ấy, ai cũng nói ông dại. Nhiều người can ngăn, nhưng quyết là làm. Biết thông tin tuyển dụng của một công ty khai thác và chế biến bột talc (nguyên liệu quý để sản xuất phấn rôm, phụ gia ngành nhựa), ông nộp đơn và được tuyển dụng. Với kiến thức, năng lực tốt, ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà máy chế biến ở Hoà Bình, rồi Tổng Giám đốc.

Dưới bàn tay chèo lái của ông, Công ty làm ăn vô cùng phát đạt. Trong thời kỳ suy thoái 2009 - 2010, doanh số công ty vẫn đạt trên 70 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận ròng đạt 50 - 51%, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Hoà Bình.

Trên đà thắng lợi, đầu năm 2011, nhận được thông tin từ Liên đoàn Địa chất Tây Bắc về việc phát hiện được mỏ talc ở Hòa Bình, Hội đồng Quản trị Công ty lập tức ra nghị quyết làm dự án khai thác mỏ, đồng thời đầu tư hạ tầng và máy móc để tự khai thác, khép kín chu trình sản xuất - kinh doanh.

“Nhưng thuận lợi quá hóa chủ quan”, ông Dũng nhớ lại. Sau khi vay ngân hàng, huy động từ cổ đông hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào khai thác, nhưng hiệu quả lại không như mong đợi. Mỏ talc đầu tiên ở Hoà Bình trữ lượng thấp, chất lượng ngày càng đi xuống. Mỏ thứ hai thì không có talc. 

Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng: “Doanh nhân thì không nên chờ đợi cơ hội, mà phải tạo ra cơ hội”. Nguồn: Internet
Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng: “Doanh nhân thì không nên chờ đợi cơ hội, mà phải tạo ra cơ hội”. Nguồn: Internet.

Mọi kế hoạch bị phá sản. Bao nhiêu vốn liếng, lợi nhuận đổ ra sông, ra biển. Ông quày quả chèo chống, vừa cố gắng làm sao nâng lương giữ thợ, vừa tăng cường khai thác mỏ cũ để tăng thu nhập, tìm cách khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng. Tưởng chừng sẽ không thể vượt qua, nhưng giữa lúc đó, nỗ lực và cơ duyên mới đã giúp Công ty thoát cảnh phá sản. Nhựa châu Âu, một doanh nghiệp lớn, đã quyết định đầu tư và trở thành cổ đông lớn của Công ty. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu quay trở lại. Công ty trả bớt nợ nần, thực hiện tái cơ cấu, đầu tư thêm máy móc để phát triển sản xuất. Khí thế bừng bừng.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sản phẩm sản xuất ra mà không dùng được. Một lần nữa, nợ lại đè lên đầu, cổ đông lại tìm cách thoái vốn.

Ngồi nhìn đống máy móc hiện đại, nhìn những nhân viên bao lâu gắn bó, ông xót lắm, thậm chí không thể tin mình có máy móc, con người, mà lại thất bại. Ông lại suy ngẫm, khảo sát, nghiên cứu để rồi nhận ra, ở Hòa Bình có nhiều núi đá vôi, mà nhu cầu xây dựng rất lớn. Thế là, lại xin cấp phép khai thác mỏ, huy động vốn, mua thêm máy móc…

“Nhưng không thể tin được, tôi lại thất bại”, ông Dũng lần đầu tiên chia sẻ như vậy trên Chương trình Những câu chuyện thật của CEO - Chìa khóa thành công.

Sau khi khai thác lớp bề mặt mỏ, đi sâu vào lớp bên trong, ông mới phát hiện ra chất lượng không đảm bảo. “Lần thất bại thứ ba, nợ chồng nợ, niềm tin bị đổ vỡ, tôi rơi vào vòng xoáy tuyệt vọng. Lúc này muốn bán công ty, cũng chẳng ai mua. Mà bán thì cũng không bớt nợ được bao nhiêu, không chỉ nợ ngân hàng, mà còn cả trăm cán bộ, nhân viên cầm cố tài sản để góp vốn. Và tôi biết mình không thể buông bỏ”, ông Dũng thành thực.

Vì không thể buông bỏ, nên ông quyết định “lần mò” một lần nữa. Trong một lần ghé qua mỏ đá Lục Yên (Yên Bái), thấy người ta cắt xẻ đá trắng, ông chợt nhớ ra, Công ty Nhựa châu Âu phải nhập tới 13.000 tấn/tháng bột đá trắng để sản xuất các loại phụ gia cho sản xuất. Ông quyết định thử lấy một ít, đưa đi sản xuất bột đá, đưa sang Nhựa châu Âu kiểm thử thì thấy phù hợp. Ánh sáng lóe lên cuối đường hầm. Mỏ đá trắng Yên Bái rất tốt để sản xuất phụ gia cho các ngành công nghiệp.

Trong khi lúc này, Yên Bái đang kêu gọi đầu tư, nhiều chính sách ưu đãi rất thuận lợi. 7 năm không phải mất tiền thuê đất, 2 năm không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế là ông lao vào xây dựng dự án. Vốn là dân tài chính, phân tích rất kỹ mọi thông số, ông nhận ra, nếu đầu tư vào đó thì lãi là chắc chắn, nên kêu gọi cổ đông góp vốn 30 - 40 tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Nhưng vì ông đã quá nhiều lần thất bại, họ không còn niềm tin và cũng chẳng muốn bỏ thêm tiền. Thậm chí, lúc đó, nhiều người đã hỏi ông “nếu thất bại nữa thì ai trả tiền cho chúng tôi?”.

Sau nhiều đêm không ngủ, ông quyết định gặp từng cổ đông để thuyết phục, đặc biệt là thuyết phục Công ty Nhựa châu Âu bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong giai đoạn đầu và cam kết về giá mua sản phẩm. Được thuyết phục bằng sự quyết tâm của ông Dũng và những con số cụ thể, các cổ đông đồng ý góp vốn. Đó là lúc Công ty CP Khoáng sản công nghiệp Yên Bái ra đời.

“Trời không phụ lòng người, Công ty đã ngày càng phát triển. Tôi có ước mơ làm giám đốc từ nhỏ. Ngay cả khi thất bại, tôi cũng không bao giờ nản chí, nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ ước mơ đó”, ông Dũng cho hay.

“Doanh nhân thì không nên chờ đợi cơ hội, mà phải tạo ra cơ hội”, ông Dũng nói. Sau nhiều lần thất bại, ông đã thành công, nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới cho mình. Một người như thế, sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn nữa.

Gia Hân (tổng hợp)