Doanh nhân Đặng Việt Dũng: Ðược đào tạo bài bản ở nước ngoài không phải là điều kiện cần để kinh doanh thành công...

11:03 29/04/2021

Doanh nhân Đặng Việt Dũng từng đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Uber Việt Nam trong 3 năm (2014 - 2017). Anh từng làm việc tại tập đoàn sản xuất bia hàng đầu thế giới ABInbev và tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey & Company...

 

Doanh nhân Đặng Việt Dũng. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Đặng Việt Dũng. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Đặng Việt Dũng sinh năm 1985. Hơn một tuổi, Dũng theo bố sang Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc (theo diện trao đổi chuyên gia). Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, Dũng và bố về nước. Thời phổ thông, Dũng học giỏi có tiếng nhưng hay “nhảy” trường (học trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, chán lại học trường khác, rồi lại quay về trường Amsterdam), được cử thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, thi đường lên đỉnh Olympia. 

Ðang học Ðại học Bách khoa, Dũng bỏ để theo đuổi tấm bằng cử nhân của Amherst College in Massachusetts (Mỹ) với học bổng toàn phần. Ra trường được làm việc cho những công ty hàng đầu thế giới, đi nhiều châu lục, tư vấn cho các CEO của nhiều nước trên thế giới. Sau đó, anh tiếp tục chương trình thạc sỹ (MBA) của Trường Kinh doanh Harvard. Sau một năm (vào năm 2014), anh lại dừng học về Việt Nam vào ghế CEO của Uber.

Con đường của Việt Dũng cũng lắm chông gai. Hồi học Ðại học Bách khoa, mở trung tâm gia sư cùng bạn lỗ mấy chục triệu. Ra đi làm (cho McKinsey & Company), tư vấn cho khách hàng là một ngân hàng lớn ở châu Á tưởng bị đuổi việc vì khi anh thuyết trình, phía dưới người thì ngáp, người thì ngồi bấm điện thoại… 

Khi học ở Harvard, Dũng có lần chết hụt ở biển Châu Phi. “Ê mặt” nhất là khi anh ngạo mạn hỏi cô bạn gái con một tỷ phú cùng lớp: “Nhà giàu như vậy, còn đi học để làm gì?”. Cô bạn trả lời tự vay tiền học, không lấy tiền của bố. “Nếu giỏi hơn mình thì cần gì phải cho chúng tiền, còn nếu chúng kém hơn mình thì cho tiền chỉ làm hỏng chúng thôi” - cô này nói.

Việc học tập làm việc ở nước ngoài với Dũng là để trải nghiệm và học hỏi những cái hay ở họ. Dũng chưa từng có ý định sẽ ở lại nước ngoài lâu dài. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển, ở đó anh cũng còn có gia đình và bạn bè.

"Tôi quyết định về Việt Nam vì tôi nghĩ mình có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm đã học hỏi được từ nước ngoài để đóng góp cho sự phát triển của quê hương mình. Bởi vậy, khi có cơ hội biết đến UBER, tôi đã không lưỡng lự và nắm bắt ngay cơ hội này" - Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, sau 3 năm gắn bó, Đặng Việt Dũng rời “ghế nóng” của Uber Việt Nam vào tháng 10/2017. Đây cũng là thời điểm có tin Uber bị Cục thuế TP HCM quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, truy thu gần 67 tỷ đồng tiền thuế và nhiều tin đồn liên quan đến việc công ty này sắp đóng cửa. Chỉ vài tháng sau đó, hãng gọi xe công nghệ Mỹ bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab và Uber Việt Nam chính thức dừng hoạt động vào ngày 8/4/2018.

Cũng vào tháng 4/2018, Đặng Việt Dũng đầu quân cho VNG – kỳ lân đầu tiên của Việt Nam - với chức danh Head of Payment Business VNG (Giám đốc mảng kinh doanh thanh toán), phụ trách ZaloPay.

“Ðược đào tạo bài bản ở nước ngoài không phải là điều kiện cần để kinh doanh thành công. Ðiều kiện cần là chúng ta dám nghĩ, dám làm chứ không phải luận án tiến sĩ.  Ðiều kiện đủ là chúng ta luôn cầu thị, học hỏi, và lắng nghe thị trường”. Anh chia sẻ kinh nghiệm học tập: Tốt nhất là học từ việc hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày 15 phút; tìm đến, kết bạn và học hỏi từ những người đi trước; hàng tuần, đúc kết những gì học được và áp dụng vào công việc hàng ngày, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Việc chưa có nhiều người trẻ Việt Nam hợp tác, bắt tay nhau để cùng phát triển, theo Ðặng Việt Dũng có mấy nguyên nhân sau: Ðất nước còn nghèo, người dân vẫn còn phải bon chen để mưu cầu cuộc sống; nền giáo dục khuôn mẫu, quá tập trung vào điểm số và cạnh tranh đối đầu; các bạn trẻ thừa thời gian và thiếu hoạt động. Hai vấn đề đầu, dài hạn, cần thời gian.

“Vấn đề cuối có thể giải quyết ngay bằng hoạt động thể thao, hoạt động nhóm, đi làm thêm, tham gia các diễn đàn để học hỏi, tăng khả năng phản biện. Một lối sống năng động là nền tảng tốt cho tư duy tích cực và tấm lòng biết cảm thông”, Dũng nói.

TH