Cơn sốt giá dầu liệu đã dừng lại?

22:19 27/03/2022

Dầu Brent đóng cửa ngày cuối tuần tại ngưỡng 120,6 USD/thùng, cải thiện đáng kể so với thứ sáu liền trước (106 USD/thùng).

Opec+ sẽ có cuộc họp chính sách vào tuần tới (Ảnh: Shutterstock.com)

Opec+ sẽ có cuộc họp chính sách vào tuần tới (Ảnh: Shutterstock.com).

Giá dầu thô trải qua một tuần giao dịch biến động mạnh với những thông tin đan xen từ tình hình đàm phán giữa Nga và Ukraine, hoạt động trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Giá dầu Brent đóng cửa cuối tuần tại ngưỡng 120,6 USD/thùng, tăng hơn 13,7% so với 1 tuần trước đó ở mức 106 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất từ ngày 9/3. Giá dầu thô giao ngay thị trường New York cũng tăng mạnh lên mức 113,9 USD/thùng, mức tăng gần tương đương so với dầu Brent. Trên đồ thị ngày, giá dầu Brent nhìn chung giữ vững ở vùng giá nền 120, cao nhất kể từ năm 2014.

Tâm điểm chú ý của thị trường dầu mỏ trong tuần tới là kỳ họp chính sách lần thứ 27 của khối OPEC+ về nguồn cung dầu thô, diễn ra vào ngày 31.03.2022. Kể từ giai đoạn 2021, OPEC+ vẫn đang duy trì chính sách nguồn cung thận trọng với quy mô tăng thêm là 400 nghìn thùng/tháng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra ban đầu vì một số quốc gia trong nhóm gặp khó khăn trong khâu sản xuất. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào tháng 12-2021, OPEC+ đã tăng sản lượng chỉ 250.000 thùng/ngày, sau khi Nigeria, Angola và Malaysia đều ghi nhận mức sản xuất thấp hơn kỳ vọng.

Sự xung đột chính trị cũng nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô của tổ chức này. Mới đây vào thứ bảy 26/3, kho dầu của Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc doanh của Ả rập Xê út đã bị tấn công, lực lượng vũ trang Houthis của Yemen đã đứng lên nhận trách nhiệm.

Lửa tại kho chứa của Saudi Aramco (Ảnh: Reuters)
Lửa tại kho chứa của Saudi Aramco (Ảnh: Reuters).

Đây đã là lần thứ 6 lực lượng Houthis tổ chức tấn công các địa điểm trên khắp vương quốc, bao gồm kho nhiên liệu và nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên của Saudi Aramco bằng tên lửa và máy bay không người lái gây gián đoạn và thiệt hại đến lượng dầu được khai thác. Các cơ sở ở Abqaiq và Khurais trúng đạn đã khiến một nửa lượng dầu chịu thiệt hại. Abqaiq là tỉnh có cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới và nhà máy ổn định dầu thô (một quá trình chưng cất một phần nhằm tạo ra dầu thô phù hợp với lưu trữ trong các bể chứa hoặc phù hợp cho việc vận chuyển) với công suất hơn 7 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Khurais là mỏ dầu lớn thứ 2 của Ả rập Xê út với công suất 1,5 triệu thùng/ngày.

Một số nhà kinh tế học nhận định giá dầu có thể tiếp tục tăng cao nếu các căng thẳng chính trị còn tiếp tục. Scott Sheffield, CEO công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất Mỹ Pioneer Natural Resources cho rằng giá dầu thô có thể tăng gần gấp đôi, lên mức hơn 200 USD/thùng nếu phương Tây ban hành các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Phó chủ tịch IHS Markit Daniel Yergin nhận định trên CNBC, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây ra gián đoạn năng lượng trên quy mô lớn, tương đương cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970. Giá dầu có thể lên 185 USD/thùng. Vào năm 2008, giá dầu Brent đã tăng lên mức 147 USD/thùng sau khi tăng liên tục từ giữa năm 2007, giá dầu đã gây sốc khi mở đầu năm 2008 bằng việc lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 100 USD/thùng - mốc giá chưa từng có kể từ khi mặt hàng này được đưa vào giao dịch kỳ hạn tại thị trường New York vào năm 1983 cũng trong tình hình bất ổn về chính trị giữa Mỹ và Iran xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, tình hình bất ổn ở nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi Nigeria, xung đột Nga - Grudia…

Lạm phát cũng là một yếu tố quan trọng, khi chỉ số lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn đã tăng cao kỉ lục sau thời kỳ nới lỏng tiền tệ để duy trì tăng trưởng kinh tế đối mặt với đại dịch. Trong giai đoạn 2020 – 2021, giá dầu Brent đã từng ở thời điểm chạm mốc 18 USD/thùng khi lo ngại đại dịch và giãn cách xã hội sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.

Giờ đây, khi mà đại dịch cơ bản đã được khống chế, căng thẳng chính trị giữa Nga – đất nước cung cấp dầu mỏ hàng đầu và thế giới lại càng làm tăng cơn sốt giá dầu trong bối cảnh gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tổng Thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo vào tháng 3 cũng đã cảnh báo rằng thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng, khi Nga đang xuất khẩu 7-8 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Anh Dũng