Chứng khoán Mỹ giảm tốc, giá dầu tăng sau phát biểu lạm phát của FED và đàm phán Nga-Ukraine

11:31 22/03/2022

Đóng cửa phiên giao dịch 22/3/2022, Chứng khoán Mỹ đã giảm trên diện rộng, tạm dừng chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp kể từ cuộc họp nâng lãi suất lên 0,25% gần đây nhất của FED. Giá dầu và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao hơn khi các nhà đầu tư tập trung vào rủi ro xung đột ở Ukraine do các cuộc đàm phán chưa đem lại hiệu quả và các phát biểu mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về lộ trình kiềm chế lạm phát.

Mỹ: Sắc đỏ chiếm chủ đạo, trừ cổ phiếu nhóm năng lượng (Nguồn: Finviz)
Mỹ: Sắc đỏ chiếm chủ đạo, trừ cổ phiếu nhóm năng lượng (Nguồn: Finviz).

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 201,94 điểm, tương đương 0,58%, xuống 34.552,99, S&P 500 mất 1,94 điểm, tương đương 0,04%, xuống 4.461,18 và Nasdaq Composite giảm 55,38 điểm, tương đương 0,4% xuống 13.838,46. Đặc biệt cổ phiếu của Boeing đã giảm 3,6% sau khi một trong những chiếc máy bay phản lực 737 của hãng bị rơi ở Trung Quốc. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ phải nhanh chóng hành động để hạ mức lạm phát quá cao, đồng thời cho biết thêm rằng họ có thể sử dụng các đợt tăng lãi suất lớn hơn bình thường nếu cần, như tính đến việc sử dụng các bước nhảy lãi suất 0,5%. Powell phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia: “Thị trường lao động đang rất mạnh còn lạm phát thì lại quá cao”. "Chúng ta rõ ràng cần phải hành động nhanh chóng để đưa lập trường chính sách tiền tệ để ổn định lại giá cả, thậm chí là sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn để làm được điều này." Đồng đô la Mỹ cũng mạnh lên đáng kể, chỉ số đô la ổn định ở mức 98,49, so với mức đỉnh gần đây của nó đạt được hồi đầu tháng 3 ở mức 99,415.

Tương tự như trước đây, ông Powell ngày 21/3 tiếp tục đưa ra quan điểm cho rằng sức ép lạm phát đến từ những nhân tố liên quan đến đại dịch, đặc biệt là yếu tố cầu kéo đối với những hàng hoá và dịch vụ mà nguồn cung không thể đáp ứng, đồng thời thừa nhận rằng Fed và nhiều chuyên gia kinh tế đã “đánh giá thấp” về việc những sức ép này có thể kéo dài đến bao giờ. Cùng với những yếu tố gây lạm phát đó, việc bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế để chống lại ảnh hưởng của Covid cũng là một nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Cả Fed và Quốc hội Mỹ đã bơm hơn 10 nghìn tỷ USD kích thích tiền tệ và tài khoá vào nền kinh tế Mỹ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Powell nói, ông vẫn tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm dần về mục tiêu của Fed, nhưng giờ là lúc cần phải kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed tuần trước đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong ba năm và hầu hết đều cho rằng lãi suất chính sách ngắn hạn - được chốt trong hai năm gần bằng 0 - ở mức 1,9% vào cuối năm nay, tương đương tăng lãi suất 0,25% trên 6 lần họp tiếp theo của FED. Sau bình luận của Powell, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm chuẩn đã tăng lên 2,307%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng lên 2,132%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2019, trái phiếu kỳ hạn 2 năm, thường di chuyển tỉ lệ với kỳ vọng lãi suất, đạt mức cao nhất 2% - tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Fed.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm vào tuần trước cùng với sự hạ nhiệt của giá dầu với kì vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga-Ukraine, đã thất vọng khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ukraine đã từ chối tối hậu thư của Nga rằng các lực lượng của họ hạ vũ khí ở Mariupol, trong khi châu Âu xem xét một lệnh cấm vận năng lượng của Nga, Úc và Nhật Bản cũng gia tăng các biện pháp trừng phạt với quốc gia này.

Căng thẳng chính trị và trừng phạt kinh tế, cộng với các bước đi chống lạm phát không hẳn là quá mạnh đã tạo điều kiện để giá dầu tiếp tục tăng cao trong tuần này, giá dầu Brent tại thời điểm viết bài 10h (22/3) tăng 1,5% so với phiên đóng cửa hôm qua, giao dịch ở mốc 118$/thùng, cao nhất trong vòng 10 phiên giao dịch gần nhất. Giá dầu thô giao ngay cũng tăng giá lên mức 111,8$/thùng, sau mức giá 94$/thùng thấp nhất vào 5 ngày trước.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, giá dầu vẫn có thể tiếp tục tăng cao như lịch sử năm 2008. Theo Đài RT của Nga, ngày 21-3, Phó thủ tướng Nga và là cựu Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho biết giá dầu có thể tăng lên 300$/thùng, thậm chí có thể đạt 500$/thùng nếu phương Tây từ bỏ dầu của Nga.