Chi phí đắt đỏ tại Hong Kong khiến người dân đổ xô đến Trung Quốc mua sắm

11:21 27/02/2024

Lạm phát và chi phí sinh hoạt đã tăng vọt ở Hong Kong gần đây. Theo số liệu của chính quyền địa phương, vào tháng 12/2023, chi phí mua rượu và dịch vụ ăn uống bên ngoài lần lượt tăng 19,2% và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảng Luohu ở Thâm Quyến, một trong những cửa khẩu chính của Hong Kong với Trung Quốc đại lục. Hong Kong vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Ảnh: The New York Times.
Cảng Luohu ở Thâm Quyến, một trong những cửa khẩu chính của Hong Kong với Trung Quốc đại lục. Ảnh: The New York Times.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Hong Kong khiến hàng trăm nghìn người đến Trung Quốc đại lục mỗi cuối tuần, để mua sắm với giá rẻ hơn.

Những ngày cuối tuần gần đây, Andy Tsui (Hong Kong) đều mua đồ trong trung tâm thương mại cao cấp, hát karaoke ở quán sang trọng và ăn tôm càng đỏ Australia trong nhà hàng ở Thẩm Quyến (Trung Quốc). Kể cả khi mua thêm một cốc trà sữa, chi phí cho cả ngày vui chơi của anh chỉ hết chưa đầy 60 USD. Số tiền này tương đương một bữa ăn hàng mà nhiều bạn bè của Tsui phải trả ở Hong Kong.

Đó cũng là lý do Tsui chọn di chuyển từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục để mua sắm. "Tôi có thể mua một con vịt Bắc Kinh với giá 60-70 nhân dân tệ (10 USD) là đủ cho 3 người ăn. Trà sữa giá chỉ 10-12 nhân dân tệ cũng bán ở khắp nơi", Tsui cho biết trên CNN. 

Tsui chỉ là một trong hàng trăm nghìn người Hong Kong thường xuyên thực hiện chuyến đi ngắn ngày đến thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông (phía Nam Trung Quốc) vào cuối tuần để ăn uống, mua sắm và giải trí.

Tới Thâm Quyến, người Hong Kong có cơ hội mua được nhiều mặt hàng với giá mềm hơn so với ở nhà. Ảnh: The New York Times.
Tới Thâm Quyến, người Hong Kong có cơ hội mua được nhiều mặt hàng với giá mềm hơn so với ở nhà. Ảnh: The New York Times.

Sự hiện diện của người Hong Kong ở Thâm Quyến, một thành phố với dân số 17 triệu người, có thể nhận thấy ở khắp nơi. Một số cửa hàng điều chỉnh thông tin quảng cáo bằng cách sử dụng tiếng Quảng Đông để thu hút khách.

Các nhà hàng giảm giá cho khách có số điện thoại mang mã vùng 852 của Hong Kong. Tại một trung tâm mua sắm lớn gần cửa khẩu, các bác sĩ nhãn khoa và phòng khám nha khoa cam kết cung cấp dịch vụ rẻ hơn so với Hong Kong.

Lan Xinghua, Giám đốc bán hàng tại GoodFeel Dentist, cho biết, vào một ngày bận rộn, phòng khám răng GoodFeel có thể tiếp đón hơn 100 khách hàng từ Hong Kong. Ông cho biết, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi khi Trung Quốc đại lục nối lại đi lại hoàn toàn với Hong Kong vào năm ngoái. Phòng khám đã mở một quầy gần cửa khẩu cảng Luohu. Nhân viên phải nói tiếng Quảng Đông cũng như tiếng Quan Thoại.

“Khách hàng Hong Kong chi tiêu mạnh tay hơn và thường không mặc cả quá nhiều”, ông Lan nói. “Đôi khi cả một gia đình đến để vệ sinh răng và sửa răng”.

Snow Wong, 28 tuổi, biết đến Thâm Quyến khi bạn bè và đồng nghiệp của cô trở về sau chuyến đi cuối tuần. Sau rất nhiều lời khen ngợi, Wong quyết định tự mình kiểm tra.

Cô đến các khu vui chơi giải trí và quán karaoke và nhận thấy thành phố này có nhiều trò chơi “escape room” thú vị. Cô dùng đồng HKD để đi spa.

Trên hết, bà Snow nói, Thâm Quyến mang đến một thứ mà Hong Kong thiếu: Nhịp sống chậm.

Bà Wong nói: “Nhịp độ của Thâm Quyến và Hong Kong rất khác nhau. Thâm Quyến là nơi tôi đến để thư giãn”.

Xu hướng người dân Hong Kong đổ xô đến Trung Quốc đại lục mỗi dịp cuối tuần ngày càng bùng nổ nhờ dịch vụ đường sắt cao tốc nối giữa các thành phố, giúp giảm thời gian di chuyển xuống còn chưa đầy nửa giờ.

Trong suy nghĩ của nhiều người, những chuyến "vượt biển" này chỉ là những buổi đi chơi vui vẻ. Nhưng nhìn tổng thể, đây là một phần của bức tranh lớn hơn tiết lộ nhiều về động lực chuyển dịch giữa đại lục và Hong Kong, từ Đông sang Tây.

Gần đây nhất là năm 2018, 51 triệu khách du lịch Trung Quốc đại lục - gấp khoảng 7 lần dân số Hong Kong đã đến thành phố này du lịch, đổ xô đến Disneyland địa phương, hoặc mua sắm đủ loại sản phẩm thương hiệu nước ngoài.

Tua nhanh về vài năm trước, bức tranh đã thay đổi. Vào năm 2023, chỉ có 26 triệu người đại lục ghé thăm Hong Kong. Đáng chú ý hơn, chỉ có khoảng 200.000 người Trung Quốc đại lục đến thăm thành phố này vào cuối tuần, kém gấp đôi so với hướng ngược lại đi Thâm Quyến, theo dữ liệu từ Cục Di trú Hong Kong.

Người trẻ đến từ Hong Kong mua đồ uống tại một cửa hàng trà sữa Mixue ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)
Người trẻ đến từ Hong Kong đổ xô đến một cửa hàng trà sữa ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: CNN).

Eddy Lam (32 tuổi) tới Trung Quốc vì thích ẩm thực ở đây. "Họ trình bày đẹp. Quán ăn cũng to hơn và đồ ăn đúng vị hơn", anh cho biết. Lam đã đến Thẩm Quyến 10 lần trong 3 tháng qua.

Số khác thì bị hấp dẫn bởi Costco và Sam’s Club - hai chuỗi siêu thị của đại gia bán lẻ Mỹ Walmart. Cherrie Leung - một quản lý quỹ tại Hong Kong thích mua sữa và sữa chua từ Sam’s Club ở Thâm Quyến. "Sữa rất tươi và được lấy thẳng từ các trang trại ở Nội Mông, Bắc Kinh", cô nói.

Hugo Sin (24 tuổi) thì thường xuyên đến đây cùng bạn bè vì tiền khách sạn chỉ bằng một phần nhỏ so với Hong Kong.

Giá cả là nguyên nhân chính cho xu hướng này. Hong Kong nhiều năm qua nằm trong top thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo các hãng nghiên cứu Mercer và EIU.

Lạm phát và chi phí sinh hoạt đã tăng vọt ở Hong Kong gần đây. Theo số liệu của chính quyền địa phương, vào tháng 12/2023, chi phí mua rượu và dịch vụ ăn uống bên ngoài lần lượt tăng 19,2% và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, Trung Quốc đại lục đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát, điều đó có nghĩa là nhiều thứ ở đây đang ngày càng rẻ hơn.

Càng hấp dẫn hơn với người Hong Kong khi đồng đô la Hong Kong (HKD), được neo giá với đồng USD, đã tăng giá trị so với Nhân dân tệ.

Gary Ng, nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, ước tính rằng chỉ riêng trong năm 2023, người Hong Kong đã chi tổng cộng 8,5 tỷ USD vào Thâm Quyến và các thành phố lân cận phía Nam Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là ít tiền hơn được bơm vào các nhà hàng và cửa hàng địa phương ở Hong Kong, khiến họ khó tồn tại hơn và có nhiều khả năng phải đóng cửa. Khi điều đó xảy ra, sức hấp dẫn của Thâm Quyến càng bùng cháy mạnh mẽ hơn, còn Hong Kong thì ngày một ảm đạm.

Korsy Lee (39 tuổi) thậm chí nghĩ ra cách kiếm tiền từ xu hướng này. Mỗi tuần, anh sang Thâm Quyến 4 lần để mua đồ về Hong Kong theo đặt hàng của khách. Lee mua cả súp cá, hamburger đông lạnh, máy rửa bát và cả giấy vệ sinh.

"80% khách của tôi là các bà nội trợ muốn tiết kiệm từng đồng", Lee cho biết trên WSJ.

Phương Anh (t/h)