Trung Quốc: Tòa án Tối cao Hong Kong yêu cầu Evergrande thanh lý tài sản để giải quyết nợ khổng lồ

11:10 29/01/2024

Động thái này theo nhiều chuyên gia, trước mắt làm xoa dịu sự nóng giận của các chủ nợ. Tòa án sẽ chỉ định người chịu trách nhiệm tạm thời về khối tài sản của Evergrande.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sáng ngày 29/1, Tòa án Tối cao Hong Kong, Trung Quốc, đã đưa ra phán quyết yêu cầu tập đoàn bất động sản hàng đầu của Trung Quốc, Evergrande, tiến hành thanh lý tài sản nhằm giải quyết một khoản nợ khổng lồ, ước tính lên đến khoảng 300 tỷ USD. Evergrande hiện đang là một trong những công ty mắc nợ lớn nhất trên thế giới.

Quyết định của thẩm phán Linda Chan của Tòa án Tối cao Hong Kong đã mở đầu cho một quá trình dài, bao gồm việc thanh lý tài sản và thay đổi lãnh đạo của tập đoàn. Do Evergrande không đưa ra kế hoạch tái cấu trúc hợp lý sau nhiều tháng trì hoãn, tòa án không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra phán quyết về thanh lý. Cổ phiếu của Evergrande đã giảm 20% trong phiên sáng nay và đã tạm thời ngừng giao dịch. Các chuyên gia cho rằng, việc chính phủ Trung Quốc không can thiệp để cứu giúp Evergrande đang gửi đi một tín hiệu, cho thấy sự sẵn sàng của Trung Quốc để để thị trường quyết định số phận của các doanh nghiệp.

Quá trình thanh lý tài sản thường diễn ra lâu dài và phức tạp, đặc biệt là khi các chủ nợ phải trải qua nhiều bước để chọn người đại diện và thực hiện các thủ tục pháp lý tại Trung Quốc đại lục. Mặc dù quá trình này đang diễn ra, Evergrande vẫn duy trì hoạt động bình thường.

Hiện tại, tài sản của Evergrande được ước tính khoảng 240 tỷ USD, nhưng mức nợ của họ lại lên đến 300 tỷ USD. Trong một thời kỳ khó khăn cho thị trường bất động sản, quá trình bán sản phẩm để duy trì hoạt động hoặc thanh lý tài sản để trả nợ đều trở nên khó khăn hơn nhiều.

Trong tương lai ngắn hạn, quyết định về thanh lý tài sản của Evergrande sẽ gây ra một số biến động, đặc biệt là khi thị trường bất động sản Trung Quốc đang trải qua thách thức lớn nhất trong gần 10 năm. Tuy nhiên, từ góc độ dài hạn, đây có thể là một tín hiệu tích cực về tính minh bạch và sự ngăn chặn của chính phủ đối với tình trạng bong bóng bất động sản. Trong năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp hơn 1.400 tỷ USD để hỗ trợ thị trường bất động sản.

PV