Hàng Việt Nam phải đối mặt với điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường

09:39 08/05/2024

Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng ở Canada, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 08 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 05 vụ việc chống bán phá giá, 02 vụ việc chống trợ cấp.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường khác nhau. Các mặt hàng bị điều tra rất đa dạng, từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, basa, máy xịt rửa áp lực... đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...

Ngoài ra, các cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên tiến hành rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, tuân thủ các quy trình và yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự như các vụ việc mới.

Riêng ở Canada, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 08 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 05 vụ việc chống bán phá giá, 02 vụ việc chống trợ cấp và 01 vụ việc tự vệ. Canada đang nhắm đến hầu hết các loại thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu OCTG...

Hàng Việt Nam phải đối mặt với điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường
Hàng Việt Nam phải đối mặt với điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường.

Số liệu từ Trademap cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 10 triệu USD dây thép sang Canada. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu này đã tăng gấp đôi lên 21 triệu USD trong năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh, đạt khoảng 40 triệu USD trong năm 2022. Việc tăng trưởng đột biến về trị giá là một trong những tiêu chí quan trọng để Canada tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với dây thép của Việt Nam.

Gần đây nhất, vào ngày 24/4, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, việc các quốc gia tăng cường điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây có nguyên nhân chính là do Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù tình hình thế giới vẫn phức tạp và khó lường, và kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo, sự gia tăng về lượng và quy mô xuất khẩu đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của các quốc gia nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc các quốc gia nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô và tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như xu hướng chung của thế giới.

Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam đang dần phát triển để tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Do đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại, trở thành một trong số ít các công cụ còn lại mà các quốc gia nhập khẩu có thể sử dụng để hạn chế nhập khẩu.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, gần đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào các ngành công nghiệp gia công và nhiều nguyên liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên liệu từ nước thứ ba và nước này trợ cấp sản xuất nguyên liệu đó, thì khi Việt Nam sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu, sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này.

P.V (t/h)