Bình Phước: Hướng đi nào cho cây tiêu

06:53 12/03/2022

Tỉnh Bình Phước có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi cho cây hồ tiêu phát triển. Thời điểm vàng, cây hồ tiêu được ví như “vàng đen” giúp không ít nông dân chân chất trở thành tỷ phú chỉ sau một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, “vàng đen” hết thời, hồ tiêu liên tục trải qua các cuộc "bão giá", rồi "bão bệnh" khiến người trồng gặp khó.

Vụ tiêu năm nay, gia đình anh Phương Thành Trận ở ấp 10, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp xác định làm vì đam mê chứ không có lãi. Bởi với 10 ha hồ tiêu được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, thay vì kỳ vọng con số 40 tấn tiêu khô như ban đầu, gia đình anh dự kiến chỉ thu được khoảng 25 tấn. Năng suất giảm gần một nửa, trong khi giá vật tư nông nghiệp và nhân công thu hoạch tăng gấp đôi. Thành ra giá tiêu dù được thương lái thu mua tới 115 ngàn đồng/kg cũng chỉ đủ trang trải tiền công trồng và chăm sóc. Anh Trận cho biết: “Năm nay, tiêu thất nặng, vườn nhà tôi năng suất chưa đạt 50%. Nếu như năm trước, mỗi nọc tiêu gia đình thu 6kg hạt thì năm nay chỉ thu khoảng 2kg”.

Vườn tiêu gần 1.000 gốc của gia đình ông Trần Văn Hải ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập luôn xanh tốt nhờ đôi bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của hai vợ chồng già. Thậm chí gia đình ông còn nuôi thêm dê để tận dụng phế phẩm làm phân bón, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc vườn tiêu. Chưa kịp vui mừng khi năm nay hồ tiêu được giá, hy vọng món nợ ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư vườn tiêu ngày nào sẽ vơi bớt, thì tâm trạng vợ chồng ông Hải lại nặng trĩu những âu lo, khi năng suất hồ tiêu chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2021. Tiếc nuối, ông Hải đang dự trữ gần 1 tấn tiêu khô chờ giá tăng để cải thiện thu nhập. 

Hướng đi nào cho cây tiêu
Hướng đi nào cho cây tiêu. (Ảnh: PV)

“Năm trước, vườn nhà tôi được gần 3 tấn tiêu khô, năm nay, vừa thu xong chắc được hơn 1 tấn, trong khi tiền công thu hoạch gia đình thuê hết 26 triệu đồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết hơn 10 triệu đồng, đó là chưa tính công tưới, làm cỏ, chăm sóc. Năm nay, giá tiêu được thương lái thu mua 95 ngàn đồng/kg nên huề vốn, không bị lỗ là may lắm rồi” - ông Hải chia sẻ.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời tiết khắc nhiệt, vườn tiêu già cỗi, nhiều năm liền hồ tiêu mất mùa, rớt giá khiến tâm lý người dân chán nản, bỏ bê không chăm sóc. Trong khi đó, hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao, đây được cho là nguyên nhân chính khiến hồ tiêu năm nay mất mùa.

“Hồ tiêu được ví như cây nữ hoàng, đòi hỏi người trồng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật mới đạt năng suất cao. Mặc dù sản lượng giảm nhưng hồ tiêu Bình Phước luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng. Thời gian qua, các công ty, đặc biệt là Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong canh tác. Đối với đầu ra, phía công ty thu mua với giá cao hơn giá thị trường. Đây có thể được xem là cú hích để bà con có thêm động lực tiếp tục gắn bó lâu dài với cây tiêu” - bà Tuyết cho biết thêm.

Không ít người cho rằng được mùa, mất giá hay được giá lại mất mùa là một nghịch lý, tuy nhiên, từ trước đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra. Điều đáng lo ngại là khi vấn đề này cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác sẽ tạo tâm lý chán nản, khiến người dân cuốn theo vòng xoáy của giá cả thị trường.

4 năm qua, anh Điểu Lõm ở xã Đắk Ơ đã quyết định phá bỏ 2 ha tiêu do anh dày công trồng và chăm sóc bằng mồ hôi, công sức, tiền của của gia đình. Anh Lõm cho biết, tiêu chết vì bệnh, giá xuống thấp nên anh quyết định chuyển qua trồng cà phê xen điều ghép; đồng thời bán hơn 2 ha rẫy để trả nợ ngân hàng vì trót vay để đầu tư trồng tiêu trước đó. “Giờ tôi chuyển qua trồng cà phê xen điều ghép. Gia đình tôi sẽ không bao giờ trồng tiêu nữa, kể cả giá tiêu có tăng cao. Bởi đầu tư hồ tiêu vốn rất nặng, phải đi vay ngân hàng, dính vào nợ nần thêm khổ, để dành tiền lo cho con ăn học” - anh Lõm chia sẻ.

Gắn bó với cây tiêu từ những năm 1997, đến thời điểm này, anh Bùi Quốc Hai ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cũng đã hết kiên nhẫn với cây tiêu. Gia đình anh đang lên kế hoạch cắt bỏ vườn tiêu rộng gần 4 ha để chuyển qua trồng cao su với mong muốn có nguồn thu ổn định hơn. “Thực ra cây tiêu rất bấp bênh, cả về năng suất lẫn giá cả, nhất là mấy năm gần đây, năng suất cây tiêu ngày càng giảm, trong khi chi phí trồng, chăm sóc, thu hoạch cao. Vì vậy, mấy năm nay gia đình tôi không thu được lợi nhuận gì từ vườn tiêu” - anh Hai chia sẻ về quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình mình.

Từ những năm 1940, tỉnh Bình Phước đã được biết đến là một trong 5 vựa tiêu lớn của cả nước, nhưng hiện nay nhiều vùng trồng tiêu lớn của tỉnh có nguy cơ bị xóa sổ. Sự vào cuộc kịp thời của ngành nông nghiệp sẽ như chiếc la bàn, định hướng giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, vực dậy ngành tiêu sau những tổn thương vì "bão giá", "bão bệnh", để sớm tìm lại ánh hào quang cho cây trồng chủ lực một thời được xem là “vàng đen” của tỉnh.

ĐT