Xuất khẩu sắn còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững

23:50 11/04/2022

Theo ông Lê Thành Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Tại hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam” do Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năm 2021 cả nước có 528 ngàn ha sắn, sản lượng đạt gần 10,7 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại 5 vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Trong đó Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 172 ngàn ha, chiếm hơn 32% tổng diện sắn cả nước.

Xuất khẩu sắn còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững
Xuất khẩu sắn còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Hiện các giống sắn mới được trồng phổ biến tại các tỉnh, vùng trồng sắn với khoảng 75% tổng diện tích sắn cả nước, tạo sự đột phá về năng suất, sản lượng góp phần mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng sắn.  

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết, đến nay trên cả nước đã có 26 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh khảm lá sắn với diện tích hơn 65.000 ha. Đã có 9 giống sắn mới được công nhận và lưu hành, trong đó có 6 giống có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn (HN3, HN5, HN, HN36, HN80, HN97) và HL-S12, HL-S14, STB1.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3/2022 ước đạt 450.000 tấn với trị giá đạt 202 triệu USD, đưa xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 970.000 tấn và 420 triệu USD, giảm 0,6% về khối lượng nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Lê Thành Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Để tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần nhiều khâu trung gian, chi phí logistics cao nên phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia, Lào…

“Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, điều này dẫn đến thiếu bền vững và bị động”, ông Hòa thông tin.

Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi.

Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.

PV