Việt Nam "khát" lao động trong lĩnh vực cơ khí theo hướng sản xuất xanh

09:23 04/07/2024

Theo chuyên gia, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa trong thời đại công nghiệp 4.0, lĩnh vực xương sống cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm về đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng sản xuất xanh bền vững vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số. Ông cho rằng, việc này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn định vị hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế. Tự động hóa trong ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và năng lượng, đồng thời bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự bền vững.

Ông Trần Hoài Nam cũng chia sẻ, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh đang triển khai dự án Made By Vietnam nhằm quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm công nghiệp trong nước, cũng như kết nối đến thị trường quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.

Việt Nam thiếu trầm trọng lao động trong vực cơ khí sản xuất xanh
Việt Nam thiếu trầm trọng lao động trong vực cơ khí sản xuất xanh.

GS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, cho biết, theo khảo sát mới nhất của tổ chức Frost và Sullivan, thị trường tự động hóa của Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn với giá trị khoảng 184.5 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị của thị trường sẽ tăng nhanh trong vài năm tới do Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình tự động hóa.

Theo Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực của bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chín ngành kinh tế - dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh chiếm 82,35% tổng nhu cầu. Trong đó, nhu cầu nhân lực của bốn ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 17,9% tổng nhu cầu, tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 85,02%. Cụ thể, đại học trở lên chiếm 18,96%, cao đẳng chiếm 20,05%, trung cấp chiếm 23,19%, và sơ cấp chiếm 22,82%. Ngành cơ khí tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 4,59% trong tổng nhu cầu.

GS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ nhấn mạnh rằng, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa trong thời đại công nghiệp 4.0, lĩnh vực xương sống cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam. Đặc biệt, nhân sự công nghệ cao trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo đang thiếu nghiêm trọng, đây là thách thức lớn cho cung ứng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi cơ cấu trong thị trường lao động và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo hiện tại trong TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu quốc tế hóa của các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng mới chương trình đào tạo cơ khí - tự động hóa dựa trên tư duy đổi mới và sáng tạo của người học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0. Ngoài ra, cần phát triển năng lực ngoại ngữ ở trình độ quốc tế, tạo môi trường giáo dục hoàn toàn bằng tiếng Anh để học viên có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia, và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc tăng cường đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu hướng sản xuất xanh.

P.V (t/h)