Để du lịch đường thủy “thuận buồm xuôi gió”

17:05 02/07/2024

Các giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, đưa ra một số đề xuất nhằm khai thác tiềm năng du lịch đường thủy ở Việt Nam.

Điều chỉnh sản phẩm theo sở thích và ngân sách của du khách 

Theo Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, để thúc đẩy du lịch đường thủy, có thể kết hợp du ngoạn ngắm cảnh với ăn uống, nhạc sống và biểu diễn văn hóa, cùng với các hoạt động thân thiện với trẻ em và nội dung giáo dục về lịch sử và sinh thái địa phương vào các tour ngắn ngày và cuối tuần đến những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.  

“Để nêu bật những điểm đặc sắc của lịch sử và văn hóa Việt, có thể tổ chức các tour tham quan đền, chùa cổ, làng nghề truyền thống và di tích lịch sử dọc bờ sông. Bên cạnh đó, các tour đến chợ nổi dập dìu ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể cho du khách hiểu thêm về hoạt động buôn bán, ẩm thực và cuộc sống sông nước hằng ngày của người dân nơi đây”. 

Tiến sĩ Ong cho biết: “Đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, như ngắm chim, tham quan rừng ngập mặn và khám phá công viên quốc gia bằng thuyền, sẽ thu hút được những khách yêu thích thiên nhiên”. 

Bà cũng đề xuất nhiều lựa chọn du lịch phù hợp với các đối tượng khác nhau. 

Khai thác tối đa tiềm năng của du lịch đường thủy là điều hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. (hình: Unsplash)
Khai thác tối đa tiềm năng của du lịch đường thủy là điều hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. (hình: Unsplash).

Đối với những người thích phiêu lưu, các môn thể thao dưới nước như chèo thuyền (kayak, canoe), chèo SUP, mô tô nước và trượt nước ở những địa điểm có cảnh quan đẹp như vịnh Hạ Long và đồng bằng sông Cửu Long là lựa chọn hấp dẫn. 

Đối với tín đồ ăn uống, các tour du lịch ẩm thực có thể bao gồm các chuyến du ngoạn sông nước giới thiệu ẩm thực Việt Nam, các lớp học nấu ăn và nếm thử món ăn, cũng như tham quan các quán ăn và chợ ven sông. Nhà hàng nổi có thể mang lại trải nghiệm ăn uống độc đáo trên mặt nước. 

Các lễ hội và sự kiện, như đua thuyền truyền thống, lễ hội đèn lồng và biểu diễn âm nhạc, có thể tạo ra bầu không khí lễ hội thu hút khách du lịch trong nước. Ngoài ra, các chuyến du ngoạn bằng thuyền theo chủ đề vào các dịp lễ như Tết và Quốc khánh có thể tạo thêm sự thú vị và hấp dẫn. 

Cuối cùng, trải nghiệm du thuyền chăm sóc sức khỏe tập trung vào thư giãn với các liệu pháp spa, tập yoga và thiền định có thể phù hợp với những người tìm kiếm sự bình yên và trẻ hóa. 

Đưa du khách quốc tế lên chuyến tàu du lịch Việt 

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch tàu biển tạo ra doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hoặc đường bộ. 

Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Phó Chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, nhấn mạnh rằng, Việt Nam nên quảng bá du lịch tàu biển tới nhiều nước châu Á hơn như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Ấn Độ. 70% du khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2022 đến từ châu Á và nhiều người trong số họ được biết đến với đam mê du lịch tàu biển. 

Điều cấp thiết là Việt Nam cần cải thiện việc đào tạo nhân viên phục vụ để quản lý tốt hơn hoạt động tại các cảng và tàu du lịch. Điều này sẽ bao hàm từ việc đón khách lên tàu, quản lý dịch vụ ẩm thực, kỹ năng giải trí, cho đến vận hành phòng. 

Ông giải thích: “Một nhân viên có sức thuyết phục có thể khiến hành khách dùng bữa tại nhà hàng sang trọng trên tàu, thay vì đến phòng ăn chính nằm trong gói dịch vụ của tour. Doanh thu cũng có thể đến từ các hoạt động phụ thu, bất kể là trên tàu hay từ các chuyến tham quan trên đất liền”. 

“Đây là kết quả của sự chăm chỉ và khả năng thuyết phục của nhân viên kinh doanh dịch vụ giải trí trên tàu, do đó họ phải có khả năng thích ứng và linh hoạt về ngôn ngữ”. 

Du thuyền ở vịnh Hạ Long (hình: Unsplash)
Du thuyền ở vịnh Hạ Long (hình: Unsplash).

Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển tốt hơn, tức là cần có các phòng chờ thích hợp và bến đỗ lên xuống tàu cho du khách.   

Khi tàu cập cảng, cũng nên triển khai các hoạt động ngoài khơi tốt hơn cho hành khách. 

Tiến sĩ Pang tin rằng, điều quan trọng với Việt Nam là tạo ra nhiều giá trị thương hiệu hơn và mang lại những trải nghiệm đặc biệt, đáng nhớ để thúc đẩy phát triển du lịch bằng du thuyền hạng sang. 

Đẩy mạnh trải nghiệm đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè 

Tuyến đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mang đến nhiều trải nghiệm du lịch độc đáo với các sáng kiến như “Trên bến dưới thuyền”. Tuy nhiên, tuyến này vẫn vấp phải khó khăn trong việc thu hút du khách cho thấy những khía cạnh cần cải thiện lẫn cơ hội phát triển.  

Để khai thác hiệu quả du lịch trên tuyến kênh này, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, RMIT Việt Nam, cho rằng TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện một số giải pháp. 

Trước hết, cần tăng cường marketing và quảng bá. Các chiến dịch kỹ thuật số dùng mạng xã hội và marketing số có thể tạo ra nội dung hấp dẫn, làm nổi bật những khía cạnh độc đáo của các tour du lịch trên kênh. Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng và blogger mảng du lịch có thể giúp tiếp cận nhóm khách hàng lớn hơn.  

Ngoài ra, kết hợp với doanh nghiệp địa phương và khách sạn để cung cấp các gói dịch vụ bao gồm tour du lịch trên kênh có thể thu hút thêm sự chú ý của khách tham quan. Cải thiện trải nghiệm du lịch cũng rất cần thiết. Phát triển nhiều gói tour khác nhau để đáp ứng các sở thích riêng biệt có thể thu hút đông đảo du khách hơn. Đảm bảo đi lại thuận lợi tới dòng kênh, với các biển báo rõ ràng, trung tâm thông tin và các tùy chọn đặt vé dễ dàng cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Thường xuyên thu thập và phân tích phản hồi từ du khách có thể giúp liên tục cải thiện trải nghiệm cho họ. 

Bên cạnh đó, đưa văn hóa và truyền thống địa phương vào các tour du lịch, chẳng hạn như giới thiệu nghề thủ công, âm nhạc và ẩm thực địa phương, có thể giúp trải nghiệm trở nên phong phú hơn. Cung cấp các tour giáo dục tập trung vào lịch sử và sinh thái của kênh cũng có thể tăng thêm giá trị cho tuyến này.  

Việt Nam có thể đúc rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác để phát triển du lịch trên kênh nội đô. (hình: Unsplash)
Việt Nam có thể đúc rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác để phát triển du lịch trên kênh nội đô. (hình: Unsplash).

Học hỏi từ mô hình thành công ở các nước khác cũng giúp có thêm những kinh nghiệm quý báu. Chẳng hạn, Amsterdam cung cấp nhiều loại du thuyền theo chủ đề, Bangkok kết hợp các chợ địa phương và nhà hàng nổi vào các tuyến đường thủy, Venice có những chuyến du ngoạn bằng thuyền gondola mang tính biểu tượng với các câu chuyện về lịch sử. 

Các chuyên gia của RMIT kết luận, bằng cách ưu tiên cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa, đẩy mạnh marketing và hợp tác, Việt Nam có thể khai thác tiềm năng du lịch đường thủy và trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực. 

Ngọc Hoàng (RMIT)