"DANAFF là một liên hoan phim trẻ, mới ở chặng đầu"

17:12 04/07/2024

Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhận định rằng, DANAFF là một liên hoan phim trẻ, mới ở chặng đầu, nên cần chấp nhận thực tế để từng bước vun trồng những phim có giá trị nghệ thuật.

Ảnh minh họa
Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF II

Trong một phát biểu gần đây, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF II, đã tiết lộ kế hoạch tổ chức một liên hoan phim thường niên theo chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Mục tiêu của DANAFF là tạo ra một sân chơi đa dạng, nơi các bộ phim nghệ thuật và thương mại đều có cơ hội tỏa sáng.

"Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một thương hiệu LHP mới ở khu vực châu Á, có bản sắc, có tiếng nói riêng, từ đó đưa điện ảnh Việt Nam đến với châu Á và thế giới, đồng thời đưa tinh hoa điện ảnh thế giới đến Việt Nam. Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng ra thế giới, thu hút các đoàn làm phim đến Việt Nam hợp tác và đầu tư sản xuất vừa là mục tiêu, vừa là kết quả từ sự thành công của các LHP như DANAFF", TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng chia sẻ.

Bà Lan chia sẻ, trong hạng mục Phim châu Á dự thi, ban tổ chức sẽ tập trung tuyển chọn các phim nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với hạng mục Phim Việt Nam dự thi, ngoài các phim nghệ thuật, ban tổ chức còn đón nhận những phim thương mại có doanh thu phòng vé cao. "Buộc phải thế", bà nhấn mạnh, bởi số lượng phim nghệ thuật ở Việt Nam còn hạn chế.

Đại diện DANAFF II cũng bổ sung rằng, qua các kỳ liên hoan phim, với sự đánh giá chính xác và khích lệ từ các giám khảo, các nhà làm phim thương mại sẽ có thêm động lực để chú trọng tới ngôn ngữ nghệ thuật nhiều hơn bên cạnh việc làm phim phục vụ công chúng.

Bà Ngô Phương Lan nhận định rằng, DANAFF là một liên hoan phim trẻ, mới ở chặng đầu, nên cần chấp nhận thực tế để từng bước vun trồng những phim có giá trị nghệ thuật. Bà chia sẻ: "Số lượng các nhà sản xuất phim của Việt Nam cũng không nhiều. Có hơn 500 hãng phim có giấy phép hoạt động, nhưng con số các hãng phim thực sự hoạt động chỉ từ 30 đến 40 hãng".

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 đến 40 phim, chưa đến 50 phim. "Việt Nam vẫn chưa phải là một nền điện ảnh phát triển. Năm vừa qua, các phim ăn khách như 'Mai' (Trấn Thành) và 'Lật mặt 7: Một điều ước' (Lý Hải) đã nâng thị phần điện ảnh Việt Nam lên 40%. Trước đó, tỷ lệ này luôn dưới 30%. Nói chung, thị trường điện ảnh vẫn đang phụ thuộc nhiều vào phim nhập", bà Lan đánh giá.

 PV t/h