VASEP kiến nghị về bất cập quy định chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong kiểm soát thủy sản xuất sang Nhật Bản

16:20 15/05/2024

VASEP đã gửi kiến nghị đề nghị xem xét điều chỉnh kiểm soát kháng sinh, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kính gửi Công văn số 48/CV-VASEP tới Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam, đồng kính gửi: Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường về việc Báo cáo, đề xuất việc tham vấn và kiến nghị với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản về bất cập trong ngưỡng chấp nhận chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline áp dụng trong kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, một trong ba thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, hiện đang có một bấp cập lớn do quy định "quá nghiêm ngặt" của Nhật Bản so với nhiều quốc gia đối với ngưỡng chấp nhận của chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản. Điều này đang gây khó khăn và bất lợi rất lớn cho thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, vì kháng sinh này vẫn được phép sử dụng trong nuôi thủy sản ở Việt Nam.

VASEP kiến nghị về bất cập quy định chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong kiểm soát thủy sản xuất sang Nhật Bản
VASEP kiến nghị về bất cập quy định chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong kiểm soát thủy sản sang Nhật Bản.

Theo tìm hiểu sơ bộ của VASEP và các doanh nghiệp, hiện nay, nhiều nước không cấm sử dụng kháng sinh Doxycycline (thuộc nhóm Tetracycline) trong nuôi thủy sản và không kiểm tra dư lượng của kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản nuôi nhập khẩu. Một số nước như EU, Trung Quốc, New Zealand có kiểm tra chỉ tiêu này nhưng đều quy định mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) là 100 ppb. Đây là mức được cho là phù hợp, có đánh giá rủi ro, mà thủy sản nuôi có kiểm soát chặt của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được.

Tuy nhiên, Nhật Bản mới chỉ quy định mức MRL của Doxycycline trong sản phẩm của Bộ Cá vược (Perciformes) là 50ppb và chưa quy định mức MRL đối với các sản phẩm thủy sản khác. Mà theo quy định hiện hành của Nhật Bản thì đối với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chưa có quy định mức MRL sẽ áp dụng chung mức 10 ppb (Uniform limit) cho các chỉ tiêu này.

Điều này có nghĩa là ngưỡng chấp nhận tối đa của Nhật Bản đối với chỉ tiêu này trong thủy sản nhập khẩu đang nghiêm ngặt hơn 10 lần, chỉ bằng 1/10 ngưỡng chấp nhận tối đa của nhiều thị trường khác (chi tiết xin xem tại Phụ lục kèm theo).

Hiệp hội và cộng đồng các doanh nghiệp báo cáo và kính đề nghị Bộ NN & PTNT xem xét, có ý kiến với cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản để phía Nhật Bản ban hành các quy định về giới hạn tối đa cho phép (MRL) đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các quốc gia khác như EU, Trung Quốc, New Zealand đang kiểm soát nhằm vừa đảm bảo kiểm soát đúng đủ chỉ tiêu này theo thông lệ quốc tế, vừa giúp các nhà máy thủy sản Việt Nam có cơ sở kiểm 2 soát kháng sinh này hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

Linh Anh

Tags: