Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cùng với đó, có 21 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với tổng giá trị bán đấu giá công khai là 13,8 nghìn tỷ đồng, thu về được 21,6 nghìn tỷ đồng; 35 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Một thống kê khác cho thấy, 11 tháng qua, đã có 7/62 doanh nghiệp được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tổng giá trị vốn nhà nước khoảng 206 tỷ đồng. Như vậy, số doanh nghiệp còn phải bàn giao về SCIC theo quy định là 35/62 doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 5 nghìn tỷ đồng, thu về 10,5 nghìn tỷ đồng. Với tiến độ cổ phần hóa, bàn giao doanh nghiệp về SCIC còn chậm, khả năng thực hiện cả năm sẽ khó đạt kế hoạch đề ra.
Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu một số giải pháp để thúc đẩy là: Các DN cổ phần hoá phải nghiêm túc thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán và nộp tiền đầy đủ về quỹ đổi mới sắp xếp DNNN; xử lý nghiêm các DNNN đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong chậm trễ thoái vốn và cổ phần hoá; công tác thanh tra, kiểm tra phải chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo DN hoạt động bình thường.
Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ về thể chế để tạo điều kiện cho các thành phần phát triển, trong đó có DNNN. Lãnh đạo Chính phủ mong rằng lực lượng này sẽ phát huy tốt vai trò đầu tàu của mình, dẫn dắt nền kinh tế, tạo ra nhiều DN lớn mạnh cho Việt Nam.