Khi Việt Nam đang chuẩn bị cho việc thành lập các trung tâm tài chính, nhiều chuyên gia gợi ý rằng, nước ta có thể hợp tác với Singapore, trung tâm tài chính hàng đầu ở châu Á, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm hiện thực hóa tham vọng này.
Sự kiện Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam–Singapore đã diễn ra vào ngày 1 tháng 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tổng Lãnh sự quán Singapore tại thành phố Hồ Chí Minh). |
Đây là vấn đề đã được nêu ra tại sự kiện Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam–Singapore do Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore tổ chức vào ngày 1 tháng 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định: “Nguồn cung lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và tài chính là yếu tố then chốt cho sự thành công của các trung tâm tài chính tại Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác với Singapore trong việc giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu về nhân lực”.
Tại cuộc họp Chính phủ vào hôm thứ Hai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi hoàn thiện chương trình quốc gia về phát triển các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại hai đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phát triển mô hình trung tâm tài chính của riêng mình sau khi học hỏi từ các trung tâm thành công trên thế giới, và áp dụng các yếu tố phù hợp với điều kiện trong nước.
Phát biểu trong buổi thảo luận tại sự kiện ngày thứ Ba (1/10), ông Wesley Chua, Quản lý cấp cao của dịch vụ thuế và giao dịch quốc tế tại EY, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Singapore tại Việt Nam, đề cập đến những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong việc xây dựng các trung tâm tài chính, trong bối cảnh cạnh tranh với các trung tâm khác trong khu vực như Hồng Kông, Singapore và các đối thủ mới nổi như Kuala Lumpur, Malaysia.
Ông nói: “Một trung tâm tài chính cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro. Chúng ta thực sự cần cơ quan chức năng tham gia để giám sát và kiểm soát. Tất cả các yếu tố cơ bản (về pháp lý) cần phải được xây dựng trước khi chúng ta có thể nói rằng đã sẵn sàng cho một trung tâm tài chính”.
Tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng nhấn mạnh một số lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam cần củng cố trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính, bao gồm việc tự do hóa tài khoản vốn để dòng vốn có thể tự do luân chuyển vào và ra khỏi đất nước, tự do hóa lãi suất, khả năng chuyển đổi tiền tệ địa phương, phát triển các sản phẩm phái sinh và áp dụng tỷ giá hối đoái thả nổi.
“Việc thiết lập một cơ sở hạ tầng tài chính đẳng cấp thế giới có thể tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của Việt Nam trước nền kinh tế toàn cầu”, ông chia sẻ.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Singapore
Năm ngoái, Việt Nam và Singapore đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Lãnh đạo của hai quốc gia đã thống nhất về việc nâng cao mối quan hệ song phương trong giai đoạn tới lên tầm đối tác chiến lược toàn diện – cấp độ ngoại giao cao nhất mà Việt Nam chỉ duy trì với bảy quốc gia trên thế giới, bao gồm các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
"Chặng đường tiếp theo là đảm bảo rằng có những sáng kiến hợp tác cụ thể trong từng trụ cột của quan hệ đối tác", ông Pang Te Cheng, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM, phát biểu tại sự kiện hôm thứ Ba, đồng thời kỳ vọng mối quan hệ này sẽ đạt được một tầm cao mới vào năm sau.
Ông cho biết thêm rằng, hai bên đang nỗ lực thúc đẩy sự kết nối giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong việc hợp tác phát triển nền kinh tế số và kinh tế xanh.
Kể từ năm 2020, Singapore đã duy trì vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, rót khoảng 6,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam chỉ trong năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm nay, Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam khoảng 6,8 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 33,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.