![]() |
Phiên thảo luận tại Hội thảo “Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN”. |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng, các rào cản phi thuế quan (NTBs) đang nổi lên như một thách thức đáng kể đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN” tổ chức mới đây, ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - nhấn mạnh: “ASEAN là thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Với mức thuế quan ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), cùng với vị trí địa lý thuận lợi, đây là thị trường lý tưởng để doanh nghiệp giảm chi phí logistics và tăng sức cạnh tranh".
Cũng theo ông Châu, Việt Nam hiện còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản vào thị trường ASEAN, do có các lợi thế lớn như thuận lợi về mặt địa lý giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí lưu kho bãi, nhất là trong bối cảnh các chi phí logistics đi các khu vực thị trường Mỹ, châu Âu... ngày càng tăng cao, thì ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường gần gũi nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản là lựa chọn hợp lý của nhiều doanh nghiệp. Đối với khu vực thị trường này, doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không, tạo sự linh hoạt trong giao thương, đưa hàng hóa đến với đối tác nhanh chóng và bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, ông Châu cũng thừa nhận những yêu cầu khắt khe ngày càng gia tăng từ phía các nước nhập khẩu. Các mặt hàng chủ lực như gạo, rau quả, thủy sản, cà phê, hạt tiêu hay gỗ cần đảm bảo chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và phải khác biệt giữa sự tương đồng với sản phẩm của các nước trong khu vực. “Đây là lúc doanh nghiệp Việt cần tập trung vào xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực chế biến, và đa dạng hóa sản phẩm nếu muốn trụ vững tại ASEAN”, ông nói.
![]() |
ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường |
Về mặt thể chế, ông Châu cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để tuyên truyền cam kết thuế quan, thúc đẩy xúc tiến thương mại và tháo gỡ các rào cản kỹ thuật thông qua đàm phán song phương.
Đặc biệt, ông cho rằng, việc tận dụng các hiệp định khu vực như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng với các đối tác, không chỉ về thương mại mà cả trong đào tạo, công nghệ chế biến và giám sát an toàn thực phẩm. “Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẵn sàng đóng vai trò kết nối để đưa hợp tác nông nghiệp song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững,” ông khẳng định.
Ở góc độ ngành thủy sản, bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP chỉ rõ nhiều rào cản phi thuế quan đang kìm hãm đà tăng trưởng xuất khẩu trong khu vực ASEAN. Các biện pháp như kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), giấy phép nhập khẩu và chứng nhận Halal đều yêu cầu chi phí và thời gian tuân thủ rất cao, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Hằng chỉ ra, một xét nghiệm dư lượng kháng sinh trong tôm có thể tốn 100-500 USD/mẫu. Việc tuân thủ thường yêu cầu đầu tư vào các cơ sở chế biến, như kho lạnh hoặc hệ thống truy xuất nguồn gốc, có thể tốn từ 10.000-100.000 USD hoặc hơn để nâng cấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Ngoài ra, quy định còn tác động đến thời gian. Kiểm tra kiểm dịch tại cảng có thể làm chậm lô hàng từ 1-7 ngày, tùy thuộc vào quốc gia và hiệu quả của cơ quan địa phương. Ví dụ, Bộ Thủy sản Malaysia có thể mất 3-5 ngày để xử lý kiểm tra đối với thủy sản nhập khẩu. Nếu lô hàng không đạt kiểm tra SPS ban đầu, việc xét nghiệm lại hoặc bị từ chối có thể kéo dài thời gian hàng tuần, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dẫn đến hư hỏng thủy sản dễ hỏng.
"Đầu tư truy xuất nguồn gốc, nhãn mác phù hợp ngôn ngữ địa phương hay tuân thủ chứng nhận Halal có thể khiến chi phí ban đầu tăng lên tới hàng chục ngàn USD, chưa kể nguy cơ bị trả hàng nếu không đạt chuẩn”, Bà Hằng dẫn chứng.
![]() |
Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP |
Trong bối cảnh các rào cản phi thuế quan ngày càng gia tăng phức tạp, đại diện VASEP cho rằng, việc cải thiện chính sách nội địa và nâng cao năng lực thương lượng là điều cấp thiết nhằm giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường ASEAN.
Một trong những đề xuất quan trọng là cần hài hòa hóa và chuẩn hóa quy trình tuân thủ các quy định về kiểm dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật thương mại và chứng nhận Halal. Bà Hằng chỉ ra các quy trình hiện tại đang yêu cầu hệ thống tài liệu, xét nghiệm và hạ tầng kỹ thuật phức tạp, khiến chi phí tuân thủ tăng cao và kéo dài thời gian xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam vẫn thiếu các tiêu chuẩn thống nhất phù hợp với yêu cầu từ các quốc gia trong khu vực, dẫn đến việc doanh nghiệp phải chịu chi phí cao hơn để thích nghi riêng lẻ với từng thị trường.
Để khắc phục, VASEP đề xuất cần phát triển các tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ và tương thích với các hướng dẫn khu vực như Hệ thống Tài liệu Đánh bắt ASEAN (ACDS) và quy định liên quan đến việc ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (IUU). Việc chuẩn hóa các quy trình như chứng nhận y tế không chỉ giúp rút ngắn thời gian kiểm tra mà còn có thể giảm đáng kể chi phí xét nghiệm – vốn hiện dao động từ 100 đến 500 USD cho mỗi mẫu tôm.
Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa quy trình chứng nhận nội địa, đặc biệt trong cấp giấy chứng nhận SPS và Halal cũng là một giải pháp quan trọng nhằm rút ngắn thời gian xử lý từ vài tháng xuống còn khoảng một đến hai tháng, giúp doanh nghiệp cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường.
Trong khi đó, chứng nhận Halal đang trở thành một yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu sang các quốc gia có dân số Hồi giáo lớn như Indonesia và Malaysia - hai thị trường chủ lực trong ASEAN. Tuy nhiên, quá trình xin chứng nhận hiện nay gặp nhiều trở ngại vì thời gian kéo dài và chi phí tốn kém, phần lớn do Việt Nam chưa có cơ quan chứng nhận Halal được công nhận rộng rãi trong khu vực.
Trước thực trạng này, đại diện VASEP đề xuất thành lập một cơ quan chứng nhận Halal quốc gia, có thể được công nhận bởi các tổ chức uy tín như JAKIM (Malaysia) và MUI (Indonesia). Việc này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian xin chứng nhận, hiện kéo dài từ ba đến sáu tháng xuống chỉ còn một đến hai tháng, đồng thời giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Song song đó, cần triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt. Hiện chi phí nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ sản xuất đạt chuẩn Halal có thể lên tới 100.000 USD – một khoản đầu tư không nhỏ đối với phần lớn doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Không dừng lại ở cấp độ trong nước, VASEP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương, thông qua đàm phán với các nước trong khu vực để công nhận lẫn nhau chứng nhận Halal. Điều này không chỉ giúp tránh được tình trạng kiểm toán trùng lặp mà còn tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường nhanh hơn, ít rào cản hơn.
Thông qua những đề xuất này, VASEP kỳ vọng có thể tạo ra bước chuyển thực chất trong việc tháo gỡ các rào cản phi thuế quan, từ đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam vào thị trường ASEAN ngày một vững chắc và hiệu quả hơn.
Ở góc nhìn từ dữ liệu thị trường, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Quốc gia NielsenIQ tại Việt Nam, Philippines và Myanmar - cảnh báo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh khi thâm nhập ASEAN không chỉ đối mặt với quy định kỹ thuật mà còn phải vượt qua rào cản văn hóa, hành vi và logistics phân phối.
“Cùng là ASEAN nhưng mỗi nước lại có tiêu chuẩn sản phẩm, quy định nhãn mác, thậm chí yêu cầu chứng nhận Halal riêng biệt. Một sản phẩm được chấp nhận ở Thái Lan chưa chắc hợp lệ tại Việt Nam nếu không điều chỉnh thành phần hoặc nhãn phụ”, ông Dũng phân tích.
Ngoài yếu tố pháp lý, doanh nghiệp còn phải giải bài toán hạ tầng phân phối thiếu đồng bộ và hành vi tiêu dùng khác biệt sâu sắc giữa các nước. “Khẩu vị, ngôn ngữ, niềm tin thương hiệu – tất cả đều tác động đến khả năng lan tỏa sản phẩm. Vì vậy, việc sử dụng dữ liệu tiêu dùng bản địa để định vị đúng sản phẩm, đúng thị trường là ‘chìa khóa sống còn’.”
Từ góc độ thị trường tiêu dùng nhanh, NielsenIQ chỉ ra rằng, khi lựa chọn thị trường đầu tư tại Đông Nam Á, doanh nghiệp không chỉ xem xét chi phí mà còn cả chính sách, nhân khẩu học và xu hướng tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện nay tìm kiếm "sức mua có định hướng", ưu tiên các sản phẩm có giá trị sử dụng thực sự và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài.
Các thương hiệu thành công là những thương hiệu cung cấp các lựa chọn thay thế với chi phí hợp lý nhưng vẫn giữ được lợi ích cốt lõi, dịch chuyển trải nghiệm tiêu dùng về nhà, và tập trung vào lợi ích dài hạn, tiện lợi và sức khỏe. Điều này cho thấy, đổi mới thành công là đổi mới đúng nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng.
Tóm lại, để nâng cao vị thế và tăng cường xuất khẩu bền vững sang thị trường ASEAN, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan thông qua việc hài hòa hóa các quy định nội địa, tăng cường năng lực đàm phán quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các đối tác. Đồng thời, về phía doanh nghiệp, cần nắm bắt và thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới để đưa ra sản phẩm phù hợp, đảm bảo sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng khu vực.