Trong Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá sản phẩm OCOP, “câu chuyện sản phẩm” chiếm 10/100 điểm. Việc xây dựng câu chuyện hấp dẫn giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mái tóc từ lâu đã là biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Á Đông. Hương thơm từ mái tóc dài mềm mượt của bà, của mẹ, được gội bằng quả bồ kết, vỏ bưởi, thân cây sả chanh, hương nhu… luôn gợi nhớ những ký ức tuổi thơ. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người mong muốn tìm lại những mùi hương quen thuộc ấy. Hiểu được điều này, Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị đã cho ra đời sản phẩm cao bồ kết thảo dược OCOP 4 sao, kết hợp giữa giá trị truyền thống và tiện dụng hiện đại. Với thành phần 100% tự nhiên, sản phẩm an toàn cho da và tóc. Chị Trần Mỹ Dung, đại diện công ty, cho biết, sản phẩm đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khi tham gia các sự kiện quảng bá và bán trên sàn thương mại điện tử. Từ năm 2021, sản phẩm đã mở rộng thị trường ra cả nước, với lượng tiêu thụ đạt khoảng 10.000 sản phẩm mỗi năm.
Hợp tác xã (HTX) dược liệu Trường Sơn cũng có câu chuyện sản phẩm gắn liền với dãy Trường Sơn và các bài thuốc quý của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Giám đốc HTX, ông Lê Thanh Huệ, cho biết, HTX đã tạo ra các sản phẩm từ thiên nhiên, không hóa chất độc hại, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm như tinh dầu tràm Mộc San, tinh chất dưỡng da Peamom, tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Huệ nhấn mạnh rằng, câu chuyện sản phẩm độc đáo đã gây ấn tượng mạnh với khách hàng, trở thành lý do họ chọn mua sản phẩm. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm mỗi loại.
Các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị thường xuyên được hỗ trợ tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại. |
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Minh Trí, cho biết, chương trình OCOP đã bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa địa phương. Hiện tỉnh có 141 sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao và 98 sản phẩm 3 sao. Mỗi sản phẩm đều có câu chuyện riêng, gắn với phương thức sản xuất truyền thống, đặc trưng địa phương, yếu tố lịch sử và văn hóa.
Ông Trí cũng nhấn mạnh việc phối hợp với các địa phương để bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc trưng, đồng thời đào tạo và hướng dẫn các chủ thể xây dựng câu chuyện sản phẩm độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa và niềm tự hào địa phương. Nội dung câu chuyện phải thể hiện được hồn cốt của sản phẩm và niềm tự hào của vùng quê, từ đó tạo nên thương hiệu sản phẩm.
“Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mang giá trị vô hình, có thể chạm đến cảm xúc và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đây là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Trí khẳng định thêm.