Theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam, 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành. |
Chia sẻ tại hội thảo Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam do báo Đầu Tư tổ chức hôm nay 30/9, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng, trong 5 đến 10 năm nữa, thế giới sẽ thay đổi rất lớn.
Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng vật lý như cảng biển, đường cao tốc, các Chính phủ cũng đang đầu tư vào hạ tầng số như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế. 5G đang cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia tiên phong.
5G đang phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên toàn cầu, chiếm 22% tổng số thuê bao di động toàn cầu. Từ con số 1,9 tỷ thuê bao hiện nay, dự báo sẽ tăng lên 5,6 tỷ thuê bao 5G, chiếm 60% thuê bao di động toàn cầu.
Dẫn chứng một số quốc gia có tốc độ triển khai mạng 5G nhanh trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, bà Rita Mokbel cho biết, các quốc gia này đều dự báo 5G sẽ đóng góp tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế số của mỗi quốc gia.
“Vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong xây dựng khung khổ chính sách, loại bỏ rào cản, hỗ trợ nhà mạng triển khai 5G. Ở Việt Nam, Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ các nhà mạng viễn thông, coi 5G là hạ tầng quốc gia quan trọng để tăng tốc độ chuyển đổi số, thúc đẩy nền kinh tế số thời gian tới”, bà Rita Mokbel nhận định.
Cũng theo nghiên cứu của Ericsson Việt Nam, tại Việt Nam, ước tính 5G sẽ chiếm khoảng 50% thuê bao di động vào năm 2029. Hiện nay hơn 25% lưu lượng dữ liệu được truyền tải qua 5G.
"50% không phải mạng nên có mà là phải có, nếu các nhà mạng viễn thông muốn truyền tải nguồn lưu lượng khổng lồ trong thời gian tới", Chủ tịch Ericsson Việt Nam nêu quan điểm.
Mạng 5G sẽ sớm được triển khai thương mại tại Việt Nam, hiện các nhà mạng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các công đoạn để vận hành thương mại, sau khi được phân bổ tần số. "Có thể 5G thương mại sẽ khả dụng ở Việt Nam trước cuối năm nay, thậm chí sớm hơn", bà Rita nói.
Chia sẻ thêm về động lực phát triển kinh tế số của Việt Nam từ mạng 5G, lãnh đạo Ericsson Việt Nam cho rằng, đối với người tiêu dùng, 5G mang lại nhiều lợi ích như thụ hưởng giáo dục đào tạo từ xa chất lượng hơn, kết nối nhanh hơn, tương tác chơi game và trải nghiệm chất lượng video tốt hơn…
"Theo một nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện, với 5G, các nhà mạng viễn thông sẽ nâng cao mức độ làm hài lòng khách hàng tăng 10% so với các công nghệ mạng thế hệ trước", bà Rita nói.
Đối với doanh nghiệp, các nhà mạng viễn thông khi cung cấp mạng 5G riêng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể có được hoạt động nhanh hơn linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy… Tại các nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo khi triển khai 5G thì đã tăng năng suất lao động 20%, giảm công sức người lao động 65% và giảm lãng phí tới 32%... 5G mang lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực như sân bay, cảng biển, y tế, đặc biệt là ngành sản xuất.
Với các nhà mạng viễn thông, họ có thể xây dựng các tình huống sử dụng mới. Trước đây với 4G đã có sự ra đời của nhiều ứng dụng mới như Uber, Grab, Facebook, Instagram…; với 5G chắc chắn có thêm đổi mới sáng tạo vào các ứng dụng mới, đòi hỏi tốc độ cao và độ trễ thấp.
Trước câu hỏi về cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là 5G, sẽ mở ra những cơ hội phát triển nào cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai, Chủ tịch Ericsson Việt Nam khẳng định, 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên.
Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Private 5G network sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông. Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025.
Nhấn mạnh rằng 5G sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm và vị thế đã hỗ trợ trên 50% các nhà mạng 5G thương mại đang hoạt động, Ericsson sẽ hỗ trợ các nhà mạng xây dựng “siêu xa lộ thông tin” với chi phí thấp hơn, thúc đẩy nền kinh tế, đảm bảo sự liền mạch, thông suốt và không gây gián đoạn cho khách hàng.
Ericsson cũng bày tỏ mong muốn trở thành đối tác của Chính phủ và các nhà mạng trong việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam, bao gồm xây dựng hệ sinh thái các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng 5G, phát triển ứng dụng giải pháp riêng cho thị trường Việt Nam, giúp Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển kinh tế số, thu hút đầu tư nước ngoài…