Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) vừa tổ chức hội nghị đánh giá và phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 2 và 3 năm 2024. Kết quả, 10 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Tại huyện Nghi Xuân, Hội đồng đã tiến hành kiểm tra và đánh giá 7 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm được đánh giá lần đầu gồm bánh đa Thoại Chung (xã Xuân Hội), xúc xích Hiên Bình và giò Hiên Bình (xã Xuân Giang). Cùng với đó, 4 sản phẩm khác đã được đánh giá lại là cá ngần khô Hoa Linh Chi (xã Cương Gián), lạc cúc Xuân Thành (xã Xuân Thành), sứa ăn liền (xã Xuân Yên), và dưa lưới Ngọc Khuê (xã Xuân Viên). Tất cả các sản phẩm này đều được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
10 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao của Hà Tĩnh. |
Tại huyện Thạch Hà, Hội đồng cũng đã tiến hành đánh giá và phân hạng 3 sản phẩm trong đợt 2 năm 2024, bao gồm rượu nếp cái Hà Mai (hộ kinh doanh Trần Công Hà, xã Thạch Sơn), giò lắt Thành Duẫn và giò lụa Thành Duẫn (hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Duẫn, xã Lưu Vĩnh Sơn). Các sản phẩm này được đánh giá cao về chất lượng nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, và đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Huyện Vũ Quang cũng đã tổ chức đánh giá 4 sản phẩm OCOP, gồm mật ong Vũ Quang (cơ sở Triều Thu, xã Hương Minh), rượu nếp Ngọc Quế (xã Hương Minh), mật ong Vũ Quang (xã Đức Lĩnh), và Cu đơ Xuân Lương (xã Đức Giang). Tất cả đều được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trong đợt đánh giá lần này, nâng tổng số sản phẩm OCOP 3 sao của huyện lên 20.
Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP tại Hà Tĩnh đều là những đặc sản địa phương, được sản xuất với tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và bao bì nhãn mác theo quy định. Những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các cơ sở sản xuất mà còn góp phần vào việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, và gia tăng giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.