Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Theo quyết định được ban hành, với mục tiêu; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Chương trình sản phẩm OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy gia tăng giá trị là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Chương trình sản phẩm OCOP bao gồm các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình; Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Với những nội dung và nhiệm vụ quan trọng là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream); số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP.
P.V