![]() |
Việt Nam sẵn sàng "xuất khẩu" mô hình OCOP sang châu Phi |
Từ làng quê Việt tới chính sách liên chính phủ
Ngày 16/7 tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao trao đổi kinh nghiệm về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, với sự tham dự của hơn 14 bộ trưởng các nước châu Phi, dưới sự phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Đây là lần đầu tiên mô hình OCOP của Việt Nam được giới thiệu quy mô liên lục địa, mở ra cơ hội hợp tác chiến lược trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Chương trình OCOP vốn khởi nguồn từ các làng nghề, sản vật địa phương đã chứng minh được tính hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản. Những năm gần đây, nhiều sản phẩm OCOP của Việt Nam đã vươn ra thị trường thế giới nhờ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc và thiết kế bao bì theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Mô hình OCOP không còn là chương trình riêng của Việt Nam, mà đã trở thành một mô hình có thể chia sẻ và nhân rộng toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi.”
Ba trọng tâm đối thoại tại diễn đàn
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, diễn đàn lần này sẽ xoay quanh ba chủ đề chính: Kinh nghiệm Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP; vai trò của OCOP trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực – thực phẩm theo hướng bền vững và chống chịu khí hậu; ứng dụng khoa học công nghệ và sáng kiến trong chuỗi giá trị nông sản đặc sản.
Đặc biệt, phiên thảo luận cấp bộ trưởng sẽ là dịp để các nước chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy thương mại, đầu tư và dinh dưỡng, hướng đến phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả hơn.
Ngoài nội dung chính thức, diễn đàn sẽ có khu vực trưng bày sản phẩm OCOP – nơi các sản vật địa phương Việt Nam được giới thiệu với bạn bè quốc tế. Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp được giao chủ trì khâu tổ chức, đảm bảo “mỗi gian hàng là một câu chuyện văn hóa” theo chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam.
Từ chè Shan tuyết, cà phê Arabica đến tinh dầu, dược liệu, sản phẩm OCOP kỳ vọng sẽ không chỉ tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, mà còn lan tỏa tinh thần phát triển bền vững xuất phát từ cộng đồng, dựa trên bản sắc.
FAO đánh giá mô hình OCOP của Việt Nam là một sáng kiến hiệu quả có thể áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển. Việc tổ chức diễn đàn lần này không chỉ thể hiện vai trò chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, mà còn mở ra cơ hội tạo lập chuỗi giá trị nông nghiệp liên lục địa, bền vững, có trách nhiệm và giàu bản sắc.