5 điều cần biết về động thái hủy niêm yết tại Mỹ của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

18:10 21/08/2022

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tuần trước đã thông báo rằng họ sẽ hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và tranh chấp về những quy định kiểm toán leo thang.

Ảnh minh họa Alibaba nằm trong số các công ty Trung Quốc niêm yết tại New York có nguy cơ bị hủy niêm yết do các quy định thắt chặt của Hoa Kỳ. © Reuters

Alibaba nằm trong số các công ty Trung Quốc niêm yết tại New York có nguy cơ bị hủy niêm yết do các quy định thắt chặt của Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters.

Để hiểu tại sao các doanh nghiệp lại hủy niêm yết, động thái này có ảnh hưởng gì đến việc tiến tới một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc và những gì sẽ xảy ra tiếp theo, trang tin Nikkei Asia đã giải thích 5 điều cần biết về lần hủy niêm yết này:

Những công ty nhà nước nào dự định hủy niêm yết?

Năm công ty đã thông báo hủy niêm yết vào ngày 12 tháng 8 là Công ty Cổ phần trách nhiệm hữu hạn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina), Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc, Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (Chalco), Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec và công ty con Sinopec - Shanghai Petrochemical Co. Họ có kế hoạch đăng ký hủy bỏ Chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR) của họ trong tháng này.

Chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR) là chứng chỉ có thể thương lượng, được phát hành bởi một ngân hàng lưu kí của Mỹ đại diện cho một số lượng cổ phần nhất định (hoặc ít nhất là một cổ phiếu đầu tư) vào cổ phiếu của một công ty nước ngoài. 

Cổ phiếu của họ đã giảm mạnh ngay sau thông báo nhưng sau đó đã phục hồi và các công ty có kế hoạch giữ cổ phiếu của họ được niêm yết tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Tại sao họ hủy niêm yết?

Tất cả năm công ty đều trích dẫn nguyên nhân của việc hủy niêm yết do "doanh thu thấp ở Mỹ" và "gánh nặng về chi phí tuân thủ yêu cầu hành chính quá cao". Nhưng nguyên nhân chủ yếu ở đây được cho là bởi Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực đối với các công ty Trung Quốc trong việc thực hiện yêu cầu về kiểm toán. 

Vào tháng 5 vừa qua, năm công ty đã được thêm vào danh sách các công ty sẽ bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch buộc phải hủy niêm yết theo Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài (HFCAA).

Được thông qua vào năm 2020, HFCAA cấm giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng không đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong ba năm liên tiếp, thời hạn có thể đến sớm nhất là vào năm 2024 đối với một số công ty. Các công ty cần phải lựa chọn giữa việc đáp ứng các yêu cầu hoặc hủy niêm yết.

Trong một tuyên bố đưa ra sau thông báo hủy niêm yết, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho biết các công ty luôn tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ và "các quyết định hủy niêm yết được đưa ra dựa trên các cân nhắc về chiến lược kinh doanh của họ"

Cuộc kiểm toán nói về điều gì?

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi về việc có nên cho phép các cơ quan quản lý của Mỹ kiểm tra giấy kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ hay không.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc kinh doanh ở nước ngoài được yêu cầu lưu giữ các tài liệu kiểm toán của họ ở Trung Quốc đại lục và các công việc trên giấy tờ không thể bị các tổ chức nước ngoài kiểm tra. Quy định này khiến các công ty Trung Quốc khó tuân thủ các quy định kiểm toán của Mỹ. 

Trung Quốc đã chống lại việc tuân thủ theo các cuộc kiểm toán vì lý do an ninh quốc gia, họ lo ngại về một lượng lớn dữ liệu mà nhiều công ty thu thập, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Năm ngoái, đợt chào bán công khai lần đầu của gã khổng lồ xe công nghệ Didi, và cuộc điều tra sau đó từ chính quyền Trung Quốc khiến họ cuối cùng phải hủy niêm yết. Điều này đã minh họa cho mối quan ngại nghiêm trọng mà Bắc Kinh dành cho các công ty sử dụng nhiều dữ liệu niêm yết ở Mỹ.

Cơ quan quản lý hiện có động thái gì?

Đã có những quan điểm trái chiều về triển vọng của một thỏa thuận giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc. 

Một số người ám chỉ rằng chính quyền Trung Quốc có thể nhượng bộ phía Hoa Kỳ. Họ đang xem xét thay đổi một quy định hiện hành cấm các công ty Trung Quốc chia sẻ dữ liệu nhạy cảm và thông tin tài chính với các cơ quan quản lý nước ngoài. Việc sửa đổi có thể cho phép các nhà quản lý Hoa Kỳ kiểm tra các báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ

Nhưng Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ - Gary Gensler đã chia sẻ vào tháng 7 rằng: "Chúng tôi sẽ không cử thanh tra từ Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) đến Trung Quốc và Hồng Kông trừ khi có thỏa thuận về khuôn khổ cho phép PCAOB thanh tra và điều tra hoàn toàn các công ty kiểm toán".

Ông nói: “Một tuyên bố chính thức về việc tạo lập khuôn khổ sẽ cần được ký rất sớm nếu mong muốn quá trình kiểm tra có thể hoàn thành vào cuối năm nay”.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nếu cả hai bên đều không đạt được thỏa thuận, các công ty Trung Quốc có thể sẽ chia rẽ nhiều hơn nữa, điều này sẽ thúc đẩy sự chia rẽ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Alibaba Group Holding gần đây đã được thêm vào danh sách HFCAA và thông báo họ sẽ cố gắng chuyển sang niêm yết tại Hồng Kông.

Nhưng một số người tin rằng đây là thời điểm để Trung Quốc có thể lựa chọn những công ty mà họ sẽ cho phép niêm yết tại Mỹ và chịu sự kiểm tra giám sát của các kiểm toán viên từ Mỹ

"Với thời hạn cuối cùng là năm 2024, Trung Quốc có thời gian để chọn các công ty của họ sẽ được phép tuân thủ", các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Jeffries cho biết trong một ghi chú, họ gọi thông báo hủy niêm yết gần đây là một "dấu hiệu tích cực."

Bảo Bảo