Trung Quốc đầu tư 11,5 tỷ USD xây cơ sở sản xuất điện lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng xanh

16:39 30/12/2022

Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc và Tập đoàn Năng lượng Nội Mông bắt đầu xây dựng một cơ sở năng lượng Mặt Trời và điện gió lớn tại sa mạc Kubuqi thuộc thành phố Ordos, Khu tự trị Nội Mông với số tiền đầu tư lên đến hơn 80 tỷ yuan (11,5 tỷ USD).

Một nhà máy quang điện ở Dalad Banner, Ordos của Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: globaltimes.cn

Một nhà máy quang điện ở Dalad Banner, Ordos của Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: globaltimes.cn.

Trung Quốc có thể là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, nhưng nước này cũng đang dẫn trước các quốc gia khác với khoảng cách ngày càng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện hạt nhân.

Với mục tiêu đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và trung hòa khí thải carbon trước năm 2060, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển các loại năng lượng tái tạo, trong đó có điện năng lượng mặt trời ở các vùng sa mạc rộng lớn miền tây bắc nước này.

Theo báo cáo về phát triển năng lượng tái tạo năm 2021, mức tiêu thụ năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong năm 2021 tương đương 750 triệu tấn than tiêu chuẩn, chiếm 14,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp, góp phần giảm phát thải khoảng 1,95 tỷ tấn khí CO2.

Công suất lắp đặt điện từ năng lượng tái tạo tính đến hết năm 2021vượt ngưỡng 1 tỷ kW, chiếm 44,8% tổng công suất phát điện; sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 2.480 tỷ kWh, chiếm 29,7% tổng sản lượng điện của cả nước. Trong đó, riêng công suất phát điện từ năng lượng mặt trời đạt 306 triệu kW, sản lượng điện mặt trời đạt 327 tỷ kWh.

Với lợi thế là một trong những quốc gia có nhiều sa mạc nhất trên thế giới, với tổng diện tích khoảng 1,2 triệu km2, phân bố chủ yếu ở khu vực miền tây và tây bắc có khí hậu khô, lượng mưa ít, hơn 80% số ngày trong năm có thời tiết nắng, cường độ bức xạ mặt trời cao, Trung Quốc đang đầu tư phát triển các công trình phát điện từ năng lượng mặt trời trên sa mạc.

Dự án điện sạch không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần kiểm soát sa mạc hóa. Các tấm pin mặt trời có thể chắn gió và ngăn cát dịch chuyển một cách hiệu quả,chúng cũng cho bóng râm, tạo điều kiện để thảm thực vật phát triển. Ngoài việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào còn kết hợp phát triển ngành du lịch trải nghiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một dự án điện mặt trời trên trên sa mạc Kubuqi của Trung Quốc
Một dự án điện mặt trời trên trên sa mạc Kubuqi của Trung Quốc.

Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một cơ sở năng lượng Mặt Trời và điện gió lớn tại sa mạc Kubuqi lớn thứ 7 tại nước này.

Với tổng công suất lắp đặt khoảng 16 triệu kW, dự án sẽ là cơ sở sản xuất điện lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này được xây dựng ở các vùng sa mạc. Trong đó, 8 triệu kW là từ năng lượng Mặt Trời, 4 triệu kW từ năng lượng gió và 4 triệu kW từ nguồn nhiệt điện hiệu suất cao tiên tiến.

Với diện tích 18.600km2, sa mạc Kubuqi thuộc thành phố Ordos, Khu tự trị Nội Mông là sa mạc lớn thứ 7 của Trung Quốc. Dự án này do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc và Tập đoàn Năng lượng Nội Mông phát triển. Ước tính, số tiền đầu tư vào dự án này lên đến hơn 80 tỷ yuan (11,5 tỷ USD).

Dự kiến sau khi hoàn thành, cơ sở năng lượng trên có thể cung cấp khoảng 40 tỷ kWh điện cho khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc mỗi năm. Trong đó, hơn 50% số điện năng này sẽ là năng lượng sạch, tương đương với việc tiết kiệm khoảng 6 triệu tấn than đá và giảm phát thải khoảng 16 triệu tấn carbon dioxide.

Dự kiến sau khi hoàn thành, cơ sở năng lượng trên có thể cung cấp khoảng 40 tỷ kWh điện cho khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc mỗi năm. Trong đó, hơn 50% số điện năng này sẽ là năng lượng sạch, tương đương với việc tiết kiệm khoảng 6 triệu tấn than đá và giảm phát thải khoảng 16 triệu tấn carbon dioxide.

D.A (T/H)