Thiếu nước ngọt - thách thức lớn nhất của nhân loại!

06:19 09/12/2020

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ngọt trở thành hàng hóa giao dịch hợp đồng kỳ hạn tương lai như xăng dầu hay vàng bạc...

Chúng ta có thể nhịn ăn vài ngày nhưng chẳng thể dừng uống nước nổi 1 ngày

Chúng ta có thể nhịn ăn vài ngày nhưng chẳng thể dừng uống nước nổi 1 ngày. (Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Bắt đầu từ phiên 7/12, những hợp đồng nước kỳ hạn gắn với chỉ số Nasdaq Veles Califorbnia Water Index sẽ được giao dịch với mã NQH2O trên sàn Chicago Mercantile Exchange.

Thị trường kỳ hạn (bán hàng cho tương lai) vốn chẳng có gì xa lạ với những nhà đầu cơ hàng hóa như dầu mỏ hay bất kỳ thứ gì tốn thời gian khai thác, vận chuyển. Có lẽ, đây là lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới của hợp đồng kỳ hạn cho nước ngọt.

Xưa nay, các hợp đồng nước chưa bao giờ được giao dịch kiểu này trên thị trường kỳ hạn. Thông thường các hợp đồng nước chỉ liên quan đến quyền khai thác nước ngọt tại một khu vực nhất định trên thị trường giao ngay.

Căn nguyên dẫn đến hình thành “thương vụ lạ” này một phần khởi nguồn từ tình hình biến đổi khí hậu. Nạn hạn hán ngày càng nghiêm trọng, người nông dân Mỹ cần ngày càng nhiều nước ngọt để tưới tiêu khiến giá hợp đồng nước bị đẩy lên cao cùng vô số những bất ổn vì nạn phá hợp đồng. Giá nước tăng cao khiến nhiều người bán sẵn sàng nộp phạt phá bỏ hợp đồng để bán với giá có lời hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng với việc nước ngọt ngày càng khan hiếm, nhiều thị trường giao dịch nước sẽ xuất hiện trong tương lai
Nhiều chuyên gia cho rằng với việc nước ngọt ngày càng khan hiếm, nhiều thị trường giao dịch nước sẽ xuất hiện trong tương lai. (Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Với bước đi đưa hợp đồng khai thác nước vào thị trường kỳ hạn, người mua có thể đặt mua trước quyền bơm nước ngọt lúc giá rẻ và tránh bị cạnh tranh vào mùa khô cao điểm. Ngược lại, việc hợp đồng nước xuất hiện trên thị trường kỳ hạn cũng giúp các nhà đầu cơ có thêm kênh lướt sóng.

Đối với những người nông dân Mỹ, việc dự đoán được giá nước trong tương lai sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tiết kiệm chi phí.

Thời điểm hiện nay, Mỹ đang là quốc gia tiêu thụ nước ngọt nhiều thứ 2 thế giới và đang thiếu nước trầm trọng do biến đổi khí hậu. Riêng bang California của Mỹ đã chiếm tới 9% tổng lượng nước tiêu thụ toàn nước Mỹ. Tổng thị trường nước ngọt tại bang này trong khoảng thời gian từ  2012 đến 2019 đã lên tới 2,6 tỷ USD.

Điều rất đáng lưu ý là nguồn nước ngọt có thể tươi tiêu và cho con người sử dụng khác rất nhiều so với nước biển. Khác với dầu mỏ, vàng hay những hàng hóa khác, nguồn tài nguyên nước gần như là điều sống còn với con người. Chúng ta có thể nhịn ăn vài ngày nhưng chẳng thể dừng uống nước nổi 1 ngày.

Trong khi phần lớn những mặt hàng trên thị trường kỳ hạn bị trễ do có liên quan đến thời gian khai thác, vận chuyển thì nước lại chủ yếu liên quan đến vấn đề giá. Ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu khiến tài nguyên nước đang cạn kiệt nhanh chóng.

Bảo Ngân