Thái Nguyên: Xây dựng vị thế sản phẩm chè

15:48 26/10/2021

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 17.000 ha chè, trong đó có trên 14.000 ha chè kinh doanh với năng suất bình quân hơn 90 tạ/ha, giải quyết việc làm cho trên 65.000 hộ nông dân, hàng năm sản lượng chè khô thu được đạt xấp xỉ 15.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng trên 4 triệu USD.

Với thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu đặc thù, người dân giàu kinh nghiệm trồng và chế biến đã tạo nên thương hiệu chè Thái Nguyên, đặc biệt là vùng chè đặc sản Tân Cương (TP Thái Nguyên) hay còn gọi là chè Thái, khi pha nước xanh, hương vị đặc trưng, đậm, ngọt hậu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Từ khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà lần thứ nhất và vùng đặc sản chè Tân Cương được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2011 thì chè Thái Nguyên càng được sử dụng rộng rãi, góp phần thúc đẩy quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Nhận thấy việc đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất chè của Tổ Hợp tác sản xuất chè xóm Ba Quà là việc làm hết sức cần thiết, vì vậy, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) đã quyết định phối hợp với Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Đồng Hỷ và UBND xã Văn Hán triển khai đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế chiến chè” cho Tổ Hợp tác. Thông qua đề án hỗ trợ này đã khuyến khích đơn vị phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, góp phần giữ gìn và quảng bá thương hiệu “chè Thái Nguyên” vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Tổng nguồn vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị của Dự án là gần 403 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ gần 197 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2021. Đến nay, sau khi hoàn thiện việc lắp đặt và trải qua quá trình ứng dụng hệ thống máy móc mới, kết quả cho thấy, máy vò chè Inox có ưu điểm là truyền động bằng động cơ điện; Kết cấu vững chắc, mâm vò bằng gỗ kết hợp với răng Inox đã tạo ra sản phẩm chè có cánh nhỏ, đẹp, không bị vụn nát chè; Thời gian sử dụng lâu hơn so với các loại cối vò thông thường. Đặc biệt, máy vò tạo ra độ săn của chè, giúp chè tươi lâu và búp chè được săn lại, tạo ra độ cong; Năng suất chế biến được tăng lên rõ rệt.

Đánh giá về tính hiệu quả của Đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Tổ Hợp tác sản xuất chè xóm Ba Quà đã hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất chè. Việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp Tổ Hợp tác nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, cũng như tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu của Đơn vị trên thị trường cũng như tạo điều kiện giảm giá thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, việc trang bị máy móc mới, đơn vị đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng CNH-HĐH, mà trước hết là công nghiệp hóa nông thôn; Tạo ra lợi nhuận cho cơ sở sản xuất và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước. Sau khi ứng dụng hệ thống máy móc mới, nhiều cơ sở chế biến chè trên địa bàn đã đến tham quan, học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, Đề án được đánh giá là có tính bền vững cao”.

Cũng chính nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi suốt những năm qua của hoạt động khuyến công trong việc hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến chè, mà đến nay, hầu hết các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã dần được thay thế bằng thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp như: Tôn quay inox, máy xào gas, bằng điện…, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, bên cạnh việc đầu tư cho khâu chế biến, hoạt động khuyến công cũng tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất trong khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, thiết bị bảo quản lạnh…), cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Thái Nguyên đã được cải thiện một cách rõ nét.

Có thể khẳng định, từ sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và người dân địa phương, cùng sự nhiệt huyết của cán bộ làm công tác khuyến công, hoạt động khuyến công Thái Nguyên đã phát huy tác dụng là động lực thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất, phát triển. Qua đó, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu chè phong phú tại địa phương để từng bước nâng cao vị thế, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên vươn xa ra thị trường quốc tế.

Trần Đạt