Số hóa tài liệu thư viện

14:24 22/02/2021

"Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được Chính phủ phê duyệt, là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Số hóa tài liệu.

Số hóa tài liệu là một hình thức hiện đại mới trong việc chuyển đổi và lưu trữ thông tin. Cụ thể và dễ hình dung nhất đó là số hóa tài liệu dạng giấy với nhiều khổ cỡ khác nhau xuất ra nhiều dạng tập tin khác nhau như PDF, BMP, JPG,… hoặc số hóa hình ảnh, hiện vật sang các file lưu trữ phần mềm như đĩa, ổ cứng,… Vậy ta có thể hiểu đơn giản Số hóa tài liệu trong thư viện là hình thức chuyển đổi các dạng tài liệu của thư viện từ truyền thống (sách, báo, tạp chí, truyện tranh,…) và các loại tài liệu khác như ( tranh, ảnh, bản đồ, hình vẽ,..) sang chuẩn dữ liệu trên các thiết bị số và các dữ liệu có thể sử dụng phục vụ cho người đọc và dễ quản lý cho cán bộ thư viện.

Số hóa tài liệu đem lại lợi ích gì?

– Việc số hóa tài liệu giúp làm giảm thiểu đáng kể diện tích và không gian lưu giữ.
– Giúp việc bảo quản và duy trì tuổi thọ của tài liệu truyền thống sẽ được kéo dài lâu hơn.
– Tiện ích trong việc truy xuất tìm kiếm thông tin ở bất kỳ đâu vào bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, dễ dàng.
– Dễ dàng mở rộng phạm vi cộng đồng người sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của cơ quan thông tin, thư viện.
– Thuận lợi trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của thư viện với các thư viện khác.
– Giảm thiểu tối đa sức người, sức của cho việc quản lý nguồn tài nguyên thông tin truyền thống.
– Góp phần nhanh chóng tái tạo thông tin mới có giá trị gia tăng cao hơn.
Số hóa tài lệu thư viện tại Việt Nam

Việc số hóa tài liệu trong thư viện không phải là khái niệm mới mà được triển khai từ nhiều năm trước. Đã có một số đơn vị được cho là đi tiên phong trong lĩnh vực này nhưng kết quả từ việc số hóa chưa thực sự rõ rệt. Nguyên nhân chậm một phần vì kinh phí và nhân lực dành cho việc này chưa được đầu tư thích đáng; phần quan trọng khác là do chưa có sự kết nối triển khai đồng bộ giữa các thư viện, khiến giá trị của việc số hóa không được phát huy đúng tầm.

Vì thế chương trình chuyển đổi số vừa được Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo được sự chung tay của các địa phương, đơn vị, góp phần hình thành kho dữ liệu số khổng lồ dành cho bạn đọc.

Mục tiêu đến năm 2025 của chương trình là hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số… tại 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học… mục tiêu số hóa được đặt ra trong giai đoạn đầu là 70%. Việc số hóa không chỉ có tác dụng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các tư liệu, tài liệu cổ, quý hiếm mà còn xóa đi khoảng cách về không gian, thời gian giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận với nguồn tri thức phong phú.

A.D (Tổng hợp)