Xem tranh Đặng Mậu Tựu, “A! Ngày xưa” đây rồi…

08:33 11/09/2022

Tiết Trung Thu 2022, tòa soạn tạp chí Sông Hương nổi lên thành một điểm hẹn mới của giới yêu mỹ thuật hội họa xứ Cố Đô Huế, bởi lẽ địa chỉ này khai mạc triển lãm phòng tranh cá nhân họa si Đặng Mậu Tựu, với một chủ đề “rất thiếu nhi”: A! Ngày xưa… Một phòng tranh với 30 bức tranh lụa, như một bộ sưu tập hình ảnh riêng về những trò chơi ấu niên ở quá khứ, khiến không ít người bồi hồi.

Ảnh minh họa
Họa sĩ Mậu Tựu với phòng tranh A! Ngày xưa.

Họa sĩ Mậu Tựu là người dí dỏm. Điều ấy, bất kỳ ai gặp anh đều nhận ra ngay. Anh thừa nhận rằng, cá tính này có lẽ ăn sâu trong người anh, bởi phần lớn tuổi đời đã qua, anh gắn liền với những hoạt động của tuổi thơ, của thanh thiếu niên. Điểm lại phần lớn cuộc đời đã trải, từ khi rời khỏi trường Mỹ thuật, đảm nhận nhiều vị trí, vai trò trong xã hội, anh rút ra kết luận, những năm tháng làm việc với “bọn trẻ con” là dài nhất và đầy kỷ niệm nhất trong anh. Nhờ đó, anh luôn hoạt bát vui vẻ, có cái nhìn tư chất lạc quan, hài hước. Nét cọ vẽ của anh, theo đó cũng hồn nhiên tươi tắn, “lúc nào cũng sung mãnh như một cậu bé”. Phòng tranh của anh, lựa chọn một cái tên thật dí dỏm, âu cũng đi theo nếp này.

Điểm riêng họa sĩ muốn thể hiện ở phòng tranh này, theo anh, chính là một lời cảm ơn đến tuổi thơ, tri ân những “người bạn nhỏ” suốt bao thế hệ. Anh Tựu đã là người cầm bút, điểm màu cho rất nhiều thế hệ thiếu nhi Huế, những bạn trẻ yêu hội họa, trưởng thành và cả thành danh. Dừng lại sau tất cả, anh vẫn là một “người thầy” hồn nhiên và bộc tuệch, vẽ rất hăng say, nói chuyện rất hăng say, và sống cũng rất hăng say. 

Trò chơi
Trò chơi "Ù mọi" qua nét cọ của họa sĩ Đặng Mậu Tựu.

Gần 30 năm qua, anh lặng lẽ ấp ủ, giấc mơ phải có một phòng tranh, tả lại những khuôn cảnh, trò chơi, cảm xúc của những thế hệ con người Việt Nam nơi thôn dã, ở từng ngõ xóm thị thành, theo đuổi những trò chơi dân gian, những trò chơi “bình đẳng” với nhau, ai cũng ham mê, hứng thú như nhau. Những “đập om”, “trốn tìm”, “căng cù”, “ù mọi” luôn vang lên trong lòng người nghe đủ cảm xúc thổn thức và cồn cào, về những ngày xưa ấu thơ vô tư, nghịch ngợm.

Giờ đây, những nỗ lực, suy nghĩ ấy của họa sĩ Mậu Tựu, đã thành hình, đã thành một phòng tranh. Anh nói rằng, anh chưa dừng lại ở đây, vì anh vẫn còn muốn vẽ thêm nữa, nhiều lắm, về câu chuyện thiếu nhi, về đề tài thiếu nhi mà ắt hẳn, “cả đời mình cũng chưa thể tả hết được”. Đứng trước tranh anh, dường như vẫn là một “thằng bé Tựu” ngày xưa, hấp háy mắt tinh quái và cười hềnh hệch. Sau “thằng bé” đó, có rất nhiều quá khứ, có rất nhiều kỷ niệm ùa về với người xem, khiến bàn chân của bất kỳ ai, với đầu bạc hoa râm, trở nên trĩu nặng yêu thương khi bước vào “A! Ngày xưa”.

Họa sĩ Tựu tâm tư, anh biết nhiều người cũng vẽ về thiếu nhi, nhưng vẽ về các trò chơi của một thời quá khứ, tạo thành một danh mục giới thiệu lại cho bọn trẻ ngày nay, thì chưa ai làm cả. Nên anh, với sứ mệnh tự nhận, phải làm được. Phải để bọn trẻ hôm nay được sống lại quá khứ của cha ông, được biết đến cảm hứng của cha ông, với những trò chơi giờ chỉ còn cái tên, chỉ còn là kỷ niệm. Điều ấy, giúp lưu giữ lại quá khứ truyền thống, phải chăng cũng là một phần rất quan trọng trong văn hóa giao tiếp xưa nay, trong cộng đồng người Việt, cần được trân trọng giữ gìn? 

"Chỏng rớ ăn cá chi", trò chơi ấu thơ ai còn nhớ?.

Với giới mỹ thuật, phòng tranh chủ đề thiếu nhi của họa sĩ Mậu Tựu được chú ý bởi anh chọn thể hiện các tác phẩm trên nền vải lụa, một chất liệu không đơn giản, thậm chí hắc búa với nhiều họa sĩ trẻ. Anh chia sẻ, cái may của anh là đã trải qua rất nhiều loại vật liệu trong nghiệp họa sĩ của mình, mà lụa là loại chất liệu Đặng Mậu Tựu đã quen từ tuổi sinh viên. Nên anh rất thoải mái để sáng tác cùng lụa, bất chấp những đòi hỏi khắt khe và tinh tế khi nét cọ bắt đầu đẫm màu trên nền vải trắng tinh. Để có một bức tranh lụa, họa sĩ phải định hình đầy đủ các đường nét trên khuôn vải, thẩm thấu từng sắc màu muốn thể hiện trong đầu óc, mới dám đặt bút vì đã vẽ là phải vẽ rất nhanh, trước khi màu khô lụa thấm.

A! Ngày xưa của tôi, vì thế mong mỗi người thưởng thức tìm lại được những xúc cảm ấu niên của mình, thấy lại được phần nào kỷ niệm trong lòng, và với tôi, còn là chính câu chuyện về một thời quá khứ, sáng tác trong cảnh thiếu thốn khó khăn. Từ việc tìm cho ra một lọ màu, đến xin được một mảnh lụa, ở cái thời khó khăn ấy, thật là những kỷ niệm không thể phai mờ. Tôi hy vọng có thể đem lại niềm vui lẫn chút bồi hồi trong lòng người xem, để mọi người hiểu hơn quá khứ, hiểu hơn chính mình, và may mắn hiểu thêm một chút Tựu trong đó”. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu tâm sự như vậy.

Phòng tranh của anh, sẽ mở cửa đến cuối tháng 9/2022, trên một con đường nhỏ của Huế. Một con đường rất nhỏ, nhưng có một không gian quá khứ không hề nhỏ, để mọi người khi bước đến sẽ nhận ra: A! Ngày xưa đây rồi!

Thụy Bất Nhi