Sản xuất toàn cầu điêu đứng do phụ thuộc vào nguồn cung magiê từ Trung Quốc

10:22 16/11/2021

Các công ty chế tạo ô tô và hàng loạt nhà sản xuất thép lao đao vì giá magiê tăng đột biến.

Sản xuất công nghiệp toàn cầu gặp khó khăn khi giá magiê cao đến đỉnh điểm
Sản xuất công nghiệp toàn cầu gặp khó khăn khi giá magiê cao đến đỉnh điểm. (Ảnh: internet) 

Các nhà sản xuất toàn cầu đang phải đối mặt với một cú sốc khác trong chuỗi cung ứng sau khi giá magiê tăng đột biến, làm tăng khả năng bị tổn thương từ các cuộc khủng hoảng trước đó ở Trung Quốc, quốc gia chiếm 80% sản lượng kim loại của thế giới.

Kim loại là nguyên liệu thô cần thiết được sử dụng trong các bộ phận của xe ô tô như hộp số, nắp bình xăng,... đồng thời xuất hiện rộng rãi trong sản xuất thép để loại bỏ lưu huỳnh. Tuy nhiên, sản xuất magiê tốn nhiều năng lượng và cuộc khủng hoảng điện năng hồi cuối tháng 9 tại Trung Quốc là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất. Chính quyền nước này đã áp dụng biện pháp cắt giảm điện để đáp ứng các mục tiêu về môi trường dẫn đến nhiều hoạt động đã bị đình chỉ ở một số khu vực tỉnh Thiểm Tây vốn được biết đến là nơi chiếm giữ 60% sản lượng magiê của cả nước.

Giá than và ferrosilicon, một hợp kim chứa sắt và các chất khác cũng được sử dụng để sản xuất magiê đã tăng vọt cùng thời điểm, đẩy giá magiê lên mức kỷ lục 10.000 USD / tấn trước khi có điện trở lại và Bắc Kinh cho phép khai thác nhiều than hơn. Đối với những người mua ở Nhật Bản, những người sử dụng magiê bao gồm các nhà sản xuất ô tô và sản xuất thép, mức giá này tương đương với mức cao nhất là 1.050 yên (khoảng 9 USD) / kg. Lần cuối cùng giá magiê tăng cao là vào năm 2008 khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với ngành công nghiệp trước thềm Thế Vận hội Olympic. Vào thời điểm đó, giá đã tăng lên 6.500 USD / tấn đạt mức cao kỷ lục. Giá magiê đã giảm 40% so với mức đỉnh điểm xuống còn khoảng 5.800 USD / tấn vào đầu tháng 11, nhưng vẫn ở mức cao gấp 3 lần so với hồi đầu năm và sản lượng vẫn chỉ ở mức 70% so với năm ngoái.

Đại diện của Hanwa Co., một công ty kinh doanh kim loại có trụ sở tại Tokyo, cho biết, Trung Quốc có lợi thế trong việc sản xuất magiê vì nước này có nguồn than, điện và ferrosilicon với giá rẻ hơn. Nhưng phía công ty lo lắng do hiện nay "nhiều khách hàng nhận thức được rủi ro từ Trung Quốc và doanh nghiệp đứng trước sức ép phải lấy hàng từ các quốc gia khác". Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mỹ và Brazil là những khu vực cung cấp magiê còn lại trên toàn cầu. Hiện Hanwa đang đàm phán với các nhà cung cấp ở quốc gia này nhưng không tránh khỏi cạnh tranh gay gắt từ người mua trên khắp thế giới đổ về.

Theo một nhà kinh doanh quen thuộc với vấn đề này, các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc thường yêu cầu đặt cọc để giao hàng nhưng trong quá trình diễn ra nếu giá lên cao hơn, một số nơi đã hủy hợp đồng và bán nguồn cung cho người khác với giá cao hơn. Một số quốc gia và khu vực gần như lấy nguồn hoàn toàn từ Trung Quốc, chẳng hạn như Nhật Bản có đến hơn 90% magiê có nguồn gốc từ cường quốc lớn thứ hai thế giới. Châu Âu phụ thuộc vào 93 - 95% kim loại nhập khẩu Trung Quốc.

Ngày 22/10, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, European Aluminium, Eurofer và 9 nhóm công nghiệp châu Âu khác đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về "nguy cơ ngừng sản xuất trên toàn khu vực do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung magiê từ Trung Quốc". Đại diện của European Aluminium cho biết: "Biến động về giá cả là rủi ro đối với nền kinh tế sau đại dịch của châu Âu". Eurofer, hiệp hội ngành thép lớn nhất khu vực chỉ ra: "Những động thái phát triển mới nhất trong thể chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung và hậu quả tiềm tàng đối với sản xuất ở khắp các ngành".

Magiê và ferrosilicon vốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các hợp kim được đưa vào sử dụng, các nhà sản xuất thường không cần phải quá lo lắng về tác động đối với các sản phẩm hạ nguồn như thép. Tuy nhiên khi giá cả tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực nhanh chóng lan rộng. Takahiro Mori, Giám đốc đại diện kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Nippon Steel, cho hay: "Chúng tôi không thể tự mình giải quyết vấn đề chi phí. Chúng tôi phải nói chuyện với khách hàng để phân chia và yêu cầu họ cùng san sẻ". Yuji Matsumoto, nhà phân tích cấp cao của Nomura Securities, ước tính rằng sự thay đổi 1.000 USD / tấn trong giá magiê sẽ có tác động chi phí hàng năm từ 500 triệu đến 1 tỷ yên. Đại diện của Hiệp hội Magiê Nhật Bản tiếp tục nhấn mạnh gia vật liệu tăng cao làm nổi bật rủi ro của nước này, buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo European Aluminium, châu Âu đã mất nhà máy sản xuất magiê cuối cùng vào năm 2001. Từ năm 2011, magiê đã được liệt vào danh sách nguyên liệu thô quan trọng của EU, "tuy nhiên, tầm nhìn của EU nhằm bảo tồn và thúc đẩy các ngành công nghiệp châu Âu đã quá tập trung vào việc giám sát hơn là hành động", đại diện của European Aluminium chỉ ra. Về phía Nhật Bản, Yoshikazu Watanabe, Chủ tịch của Tsukushi Shigen Consul, một công ty tư vấn chuyên về tài nguyên, nói rằng, quốc gia cần phải suy nghĩ lại về chiến lược để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô. Theo Watanabe, các công ty Nhật Bản cần đảm bảo hàng tồn kho và đa dạng hóa nguồn hàng bởi đây sẽ là chìa khóa chấm dứt ràng buộc với Trung Quốc khi nước này ngày càng thắt chặt và tiếp tục khó khăn hơn đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon.

TL