Nữ nhiếp ảnh đưa cảnh đẹp Việt Nam vươn tầm quốc tế

18:05 22/03/2022

Khánh Phan (37 tuổi, nhiếp ảnh gia) một mình đi bộ xuyên rừng suốt 3 tiếng, hơn 4 lần vượt suối và ngâm cả cơ thể dưới dòng nước gần 50 phút chỉ để chờ đợi một khoảng khắc đẹp nhất từ thiên nhiên. Cô đã làm việc như thế với nghề nhiếp ảnh suốt 5 năm qua.

So với nhiều tên tuổi "lão làng" trong nghề, Khánh Phan là một làn gió mới: Vừa gai góc, lăn xả, vừa sâu sắc, mềm mại, nhưng cũng đầy tài năng.

Với góc nhìn mới mẻ và sự nỗ lực không ngừng của một người "tay ngang" theo nghề, nữ nhiếp ảnh gia bước đầu đạt được một số thành tựu ấn tượng, phải kể đến như: Hơn 30 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế; loạt tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí danh giá của nước ngoài và hàng trăm bức ảnh nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực từ mạng xã hội.

Những hành trình từ Bắc đến Nam, từ sông ra biển của nữ nhiếp ảnh gia được đền đáp bằng nhiều thành quả xứng đáng. Các tác phẩm của cô là sự kết tinh hoàn hảo giữa tình yêu thiên nhiên, tinh thần dân tộc và kỹ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Những đứa con tinh thần của Khánh Phan được mang "chinh chiến" khắp các cuộc thi nhiếp ảnh tầm cỡ và đoạt nhiều giải thưởng lớn.

Nữ nhiếp ảnh đưa cảnh đẹp Việt Nam vươn tầm quốc tế: Thời khắc được gọi tên - Ảnh 5.

Tác phẩm "Flower on the water" chiến thắng hạng mục People giải Skypixel 2019 và hạng mục People giải Drone Siena award 2019.

Trong số đó, "Flower on the water" là bức ảnh đánh dấu sự chuyển mình rõ ràng nhất, cũng là bức ảnh thành công nhất tính tới thời điểm hiện tại của cô. Với "Flower on the water", Khánh Phan lần đầu tiên được đến Ý để nhận giải ở Festival Siena awards 2019 bằng tất cả niềm tự hào của một nữ nhiếp ảnh gia người Việt.

Để tạo ra tác phẩm này, nữ nhiếp ảnh gia phải làm việc kỹ lưỡng trong nhiều ngày. Từ việc nghiên cứu địa hình, thời tiết, văn hóa vùng miền đến chờ đợi khoảnh khắc, bấm máy và làm hậu kỳ ảnh… "Hôm đó (vào khoảng tháng 10/2018), tôi cùng 5 người bạn đi về Long An chụp ảnh, dự báo thời tiết báo sẽ có bão rất to nhưng tất cả đều quyết tâm ở lại. Sự kiên nhẫn đã được đáp trả khi chúng tôi được chứng kiến một khung cảnh tuyệt vời sau khi bão tan" – Khánh Phan kể lại.

Với sự hỗ trợ của hai người bạn, nữ nhiếp ảnh gia nhanh chóng ghi lại được khoảnh khắc những người phụ nữ đang cọ rửa từng dây hoa súng dưới mặt hồ. Từng bông hoa nhỏ xếp thành vòng tròn lớn, nhìn trên cao nhưng một bông hoa khổng lồ.

Từ sau "Flower on the water", nữ nhiếp ảnh gia nhận ra phong cảnh, làng nghề Việt Nam là một chất liệu tuyệt vời của nhiếp ảnh. Những nghệ nhân duy trì nghề truyền thống ở Việt Nam phần vì mưu sinh, phần còn lại vì họ yêu những gì được coi là "quốc hồn quốc túy" dân tộc, của ông cha truyền lại. Đó là nét đẹp mang tính "độc quyền" của nước ta mà không một nơi nào trên thế giới có thể sở hữu.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan chia sẻ: "Tôi hy vọng những bức ảnh của tôi được sử dụng ngày một nhiều hơn trên các tạp chí quốc tế, cả báo in và online, hoặc quý hơn là được treo trang trọng trong các phòng trưng bày, trong những ngôi nhà và được nhìn ngắm bởi những người yêu cái đẹp ở khắp nơi. Tôi muốn "mang" Việt Nam đi khắp thế giới, tôi muốn bạn bè quốc tế biết đất nước chúng ta đang sở hữu những điều tuyệt vời như thế nào. Đó là giấc mơ lớn nhất của tôi trong sự nghiệp nhiếp ảnh".

Giây phút Khánh Phan đứng trên bục vinh danh các giải thưởng quốc tế, là một người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống đầy kiêu hãnh… cô hiểu được, mình đã làm được nhiều hơn việc chụp một bức ảnh. Ở đây, nhiếp ảnh không còn đơn thuần là một công cụ giúp cô vơi bớt nỗi buồn sau những biến cố mà đó còn là tất cả đam mê, là khát vọng dân tộc vẫn cháy hừng hực trong lòng một người Việt.

Cẩm Thi (t/h)