Những vấn đề đặt ra về xử lý nợ xấu

00:00 12/10/2020

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định về xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực tài chính, nhưng trên thực tế, đây là những vấn đề lớn, cần tập trung giải quyết trong năm 2019.

Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của không ít ngân hàng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nỗi ám ảnh của các ngân hàng

Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của không ít ngân hàng. Nó không chỉ ăn mòn vào vốn, làm giảm lợi nhuận, mà còn làm giảm năng lực tài chính của nhiều NHTM. Nếu tính cả nợ xấu nội, ngoại bảng, nợ xấu chuyển sang AMC, bán qua VAMC, thì tỷ lệ nợ xấu vẫn khoảng gần 7%, đây là con số không hề nhỏ. Vào những tháng cuối năm 2018, nợ xấu của không ít ngân hàng tăng mạnh (13/17 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng) tuy vẫn dưới 3%, nhưng nợ xấu nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh. Một số ngân hàng đã mua lại toàn bộ số nợ xấu bán cho VAMC, nhưng quý 4 vừa qua và dự báo những tháng đầu năm 2019, nợ xấu tiếp tục tăng cao như: BIDV, VPbank, MB, Techcombank…

Nợ xấu có nguy cơ tăng cao, đặc biệt là nợ nhóm 5 những tháng cuối năm và sẽ tiếp tục kéo sang năm 2019 có nhiều nguyên nhân: Một số NHTM nhận lại những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, đã 5 năm mà không xử lý được, trái phiếu do tổ chức này phát hành lần lượt đáo hạn. Nhiều NHTM có khoản lãi dự thu (dự kiến thu được trong tương lai) đã được ghi nhận và hạch toán vào lợi nhuận từ những năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thu được. Khoản lãi, phí dự thu này đến cả trăm ngàn tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, sau 6 tháng lãi dự thu không thu được, phải thoái ra, nhưng nhiều ngân hàng vẫn để từ năm này qua năm khác. Một khi lãi, phí dự thu không thu hồi được, thì khoản này là nợ xấu, thậm chí rất xấu. Các khoản nợ xấu mới phát sinh, trong đó không ít các khoản nợ được cơ cấu lại, đến hạn khách hàng vẫn không trả được, buộc các ngân hàng phải đưa sang nợ xấu, thậm chí nợ xấu nhóm 5.

Về tính pháp lý,Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu có quy định rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của khách hàng vay vốn, nhưng do nguyên nhân cả phía khách hàng vay (thiếu hợp tác), hoặc từ phía ngân hàng (do Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm không chặt chẽ, thiếu rõ ràng), hoặc còn vướng về khía cạnh pháp lý, nên VAMC cũng như ngân hàng cho vay không dễ áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm tiền vay của khách hàng. Khi một số khách hàng có nợ xấu thiếu thiện chí trả nợ, việc khó thu giữ tài sản, thì để thanh lý được TSBĐ của những khoản nợ xấu này rất tốn kém về thời gian và công sức, chậm xử lý sẽ thiệt hại cho nhiều bên liên quan. Đối với những tài sản bảo đảm lớn, không dễ phát mại, dù đã hạ giá nhiều lần đến hàng trăm tỷ đồng. Vì thế nợ xấu các NHTM sẽ có nguy cơ tăng lên vào năm 2019.  Khi nợ xấu lớn lại xử lý chậm, thì chi phí hoạt động ngân hàng sẽ cao, tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình hình tài chính của mỗi NHTM, làm cho lãi suất cho vay khó giảm, DNNVV và siêu nhỏ tiếp cận vốn càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó còn có khoản nợ xấu lớn từ 3 ngân hàng 0 đồng, nợ xấu có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước, tuy đã được thể hiện trong kế hoạch hành động của Bộ Tài chính nhưng đến thời điểm này bố trí nguồn từ đâu, nếu nguồn từ NSNN thì phải sửa Luật, nếu nguồn ngoài Nhà nước là nguồn nào, cũng chưa được định hình rõ. 

Năm 2019 phải tập trung xử lý rốt ráo nợ xấu đồng thời có các giải pháp để khuyến khích các NHTM tăng vốn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặt khác trong điều kiện thu nhập của các ngân hàng vẫn chủ yếu từ hoạt động tín dụng, thì đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để gia tăng lợi nhuận vẫn là mục tiêu hiện tại và tương lai của các ngân hàng. NHNN luôn yêu cầu các NHTM tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Nhưng đó là các khoản dư nợ mới phát sinh, còn khối lượng lớn dư nợ từ nhiều năm chuyển qua với thời gian vay rất dài lại tập trung vào một số ngành, các dự án BOT, BT, BTO ở lĩnh vực giao thông, các dự án điện, dầu khí, dự án BĐS phân khúc nhà ở cao cấp, biệt thự… của một số bộ/ ngành. Điều này luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là lớn. Bên cạnh đó, tâm lý chưa minh bạch nợ xấu do áp lực về lợi nhuận, hạch toán các khoản nợ, cơ cấu lại khoản nợ, các khoản lãi, phí dự thu...chưa chuẩn, làm cho kết quả tài chính đôi khi bị sai lệch. Những vấn đề này nếu không được nhận diện đầy đủ, thì không chỉ khó khăn cho NHNN trong việc chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, có cơ chế và biện pháp xử lý dứt điểm nợ xấu cũ, mà còn khó khăn cho chính NHTM trong việc tiết giảm chi phí quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính để thực hiện Basell 2 vào năm 2020.

Những giải pháp hữu hiệu

Năm 2019 phải tập trung xử lý rốt ráo nợ xấu đồng thời có các giải pháp để khuyến khích các NHTM tăng vốn. Đây là hai vấn đề phải làm song hành, không nên xem nhẹ vấn đề nào. Trước hết, cần tiếp tục tháo gỡ về pháp lý để đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã đưa ra cơ chế xử lý nợ xấu, nhưng trên thực tế việc xử lý nợ xấu liên quan đến nhiều vấn đề, không chỉ giữa chủ nợ - các ngân hàng cho vay với con nợ - khách hàng vay, mà còn liên quan đến các bên như: Chính quyền, Công an, Viện kiểm Sát, Tòa án, vì thế phải dựa vào nhiều văn bản pháp luật… trong khi một số văn bản pháp luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) lại có những quy định không dễ dàng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là BĐS. Do đó cần phải rà soát để tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý này.

 Khai thác mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu: Bên cạnh các nguồn từ dự phòng rủi ro của các ngân hàng, nên cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia sâu hơn vào cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, không chỉ dừng lại ở Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, mà có thể tham gia cơ cấu lại các NHTM nhỏ. Mặt khác, khi thị trường mua bán nợ thứ cấp chưa hình thành đúng nghĩa, khả năng mua nợ theo giá thị trường của VAMC còn hạn chế (do hạn chế về vốn điều lệ) nên áp dụng biện pháp đấu thầu quốc tế và chứng khoán hóa các khoản nợ đã mua có bảo đảm bằng tài sản. Đây cũng là kinh nghiệm mà Hàn Quốc triển khai có hiệu quả trong quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Bên cạnh đó. cần có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút vốn đầu tư tư nhân tham gia tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ thể quyết định phát triển. Các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh là trục chính của phát triển kinh tế. Vì thế có chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào quá trình xử lý nợ xấu cũng như tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ là một hướng đi phù hợp hiện nay.

Cần phân loại nợ minh bạch, kịp thời, chuẩn xác với các ứng dụng công nghệ trong quản lý rủi ro nói chung, trong đó có rủi ro tín dụng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của các NHTM, AMC, VAMC và DATC. Đối với các NHTM và AMC của các ngân hàng: cần nâng cao chất lượng từng khoản vay, đồng thời tăng cường bộ phận kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, ngăn chặn kịp thời rủi ro đạo đức. Mặt khác, cần phân loại nợ minh bạch, kịp thời, chuẩn xác với các ứng dụng công nghệ trong quản lý rủi ro nói chung, trong đó có rủi ro tín dụng.

Đối với các tổ chức VAMC và DATC, các tổ chức này có chức năng trong việc mua bán nợ, nợ xấu, quản lý và cung cấp thông tin mua bán nợ, nợ xấu, cần tập hợp đầy đủ thông tin và chuẩn hóa thông tin về nợ xấu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận đầy thông tin. Trong phạm vi quyền và trách nhiệm của mình, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nhằm giảm thiểu những thiệt hại do sự chậm trễ trong quá trình xử lý nợ xấu của các bên có liên quan. Chúng tôi cho rằng, năm 2019 nợ xấu của các NHTM không nên chuyển qua VAMC dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi suy cho cùng tránh nhiệm xử lý nợ xấu vẫn là các ngân hàng, NHNN cần đẩy mạnh thanh tra giám sát và minh bạch hoạt động kinh doanh của hệ thống NHTM, trong đó có minh bạch về nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và phân loại nợ theo chuẩn mực quy định. Khi đó VAMC chỉ thực hiện mua bán nợ xấu theo kiểu “mua đứt, bán đoạn, lời ăn, lỗ chịu” như một định chế tài chính trên thị trường.

Tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính cho các NHTM là việc phải làm song hành với xử lý rốt ráo nợ xấu. Để tăng vốn, đối với các NHTMNN, Chính phủ cần tính đến việc bán bớt phần vốn nhà nước theo lộ trình. Năm 2019 nên thực hiện CPH Agribank, bước đầu nhà nước có thể năm giữ 90%, sẽ giảm dần qua các năm. Các ngân hàng TMCP có cổ phần nhà nước chi phối, cũng theo lộ trình nhà nước chỉ nên nắm giữ khoảng từ 55% đến 60% tùy theo quy mô từng ngân hàng (hiện nay Nhà nước đang nắm giữ trên 90% tại BIDV, trên 70% tại Vietcombank, khoảng 64% tại Vietinbank và 100% tại Agribank). Chính phủ nên cho phép các ngân hàng TMCP có yếu tố nhà nước được giữ lại phần lợi tức cổ phần của nhà nước để tăng vốn trong khoảng 3 năm (2018 – 2021) hoặc 5 năm, đến năm 2023. Đây cũng là việc làm cần thiết, tạo điều kiện cho hệ thống các NHTM nhà nước thực hiện có hiệu quả vai trò điều tiết, định hướng thị trường tín dụng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi

(Nguyên Giám đốc Trường Đào tạo NNL, Vietinbank)