Tham gia trải nghiệm chuyến tàu tự động đầu tiên có đoàn Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, các cơ quan đại diện nước ngoài tại TP. Hồ chí Minh, và đặc biệt có đoàn Cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, trong những ngày qua, các đoàn tàu tuyến metro số 1 đã được chạy hoàn toàn theo chế độ tự động ATO/ATP. Tại mỗi ga, các đoàn tàu sẽ dừng 30 giây và hệ thống cửa chắn ke ga sẽ tự mở. Kế hoạch tuyến là 17 đoàn tàu, trong đó có 14 đoàn tàu hoạt động và 3 đoàn tàu mang tính chất dự phòng. Tốc độ chạy cao nhất ở đoạn trên cao là 110km/giờ và chạy trong đoạn ngầm là 80km/giờ. Thời gian chạy từ Bến Thành đến Suối tiên sẽ mất 29 phút, tốc độ trung bình là 40km/giờ.
Song hành với quá trình thử nghiệm, Tư vấn an toàn hệ thống - Liên danh BVT sẽ có các đo đạc, đánh giá để đảm bảo các hệ thống thử nghiệm tích hợp an toàn. Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn các đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã được làm từ năm 2023 đến nay. Thời gian tới, khi nhân viên vận hành và bảo trì đảm bảo thành thạo, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn vận hành thử trong thời gian khoảng 2 tháng, trước khi dự án vận hành chính thức vào quý 4 năm nay.
Chia sẻ về lần trải nghiệm đầu tiên trên tuyến metro số 1 lần này, TS.Trần Tấn Ngô - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu Nghị Việt Nam Campuchia, Phó ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam bày tỏ: “Tôi thật sự rất thú vị khi được trải nghiệm trên tuyến metro điện số 1 tại TP. Hồ Chí Minh. Xe đi nhanh, thoáng mát và đảm bảo thời gian. Chúng tôi thấy rằng, đối với Việt Nam với những dự án như thế này phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân sẽ ngày càng tốt hơn. Hy vọng trong thời gian tới, thành phố sẽ phát huy hơn nữa mở thêm nhiều tuyến để đảm bảo cho cán bộ công nhân viên cũng như nhân dân được đi xe điện thoáng mát, giá rẻ đảm bảo đúng thời gian và ngày càng làm đẹp thêm cho TP. Hồ Chí Minh”.
Được biết, dự kiến quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh sẽ có 8 tuyến Metro và 3 tuyến đường sắt nhẹ, với tổng chiều dài khoảng 250 km. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng 2 tuyến là tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2. Ga Bến Thành là một trong 3 nhà ga ngầm và phần còn lại là 11 nhà ga trên cao. Nhà ga Bến Thành thiết kế ngầm dài 236 m, rộng 60 m, sâu khoảng 32 m với 4 tầng đã hoàn thành 99% các hạng mục chính như trần, sàn đá granit, cầu thang, hệ thống PCCC, chiếu sáng… Tầng 1 nhà ga rộng khoảng 45.000 m², thiết kế gần 200 trụ cột bê tông ốp nhôm, có chức năng làm sảnh chờ, bán vé, là nhà ga trung tâm của hệ thống metro TP. Hồ Chí Minh, sẽ được kết nối với các tuyến metro khác trong tương lai.
Cụ thể, đây là ga ngầm chính phục vụ lượng lớn hành khách của tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và là điểm trung chuyển kết nối các tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên) và tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước). Ngoài ra, giá vé dự kiến cao nhất sẽ là 30 ngàn đồng, giá vé tùy theo cự ly đến tùy từng ga.
Tuyến Metro số 1 đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh từng được chạy nghiệm 3 lần trong các năm 2022 và 2023. Lần đầu tiên là chạy thử 300 m trên đường ray tại ga/depot Long Bình tháng 8/2022; lần thứ 2 chạy thử một đoạn dài 8 km từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái vào ngày tháng 12/2022; lần thứ 3 chạy thử trên toàn tuyến từ ga Suối Tiên đến ga trung tâm Bến Thành vào tháng 4/2023 với khoảng 2.000 người dân tham gia.
Dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km chạy từ ga trung tâm Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (quận 9, nay là TP. Thủ Đức) với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro số 1 gồm tổng cộng 17 đoàn tàu với 51 toa tàu (mỗi đoàn gồm 3 toa), được sản xuất tại Nhật Bản bởi nhà sản xuất Hitachi. Mỗi toa dài 61,5 m, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng).
Uyển Nhi