Những bài học thành công của tỷ phú John Paul DeJoria

22:47 30/12/2021

Thành công không tự nhiên mà có. Cuộc sống đầy thử thách đã tạo nên một số người có ảnh hưởng và thành công mà thế giới từng thấy. John Paul DeJoria cũng không phải là ngoại lệ. Quá khứ khó khăn cùng thành công vang dội sau này đã giúp tỷ phú Dejoria tích lũy được không ít kinh nghiệm trong việc kinh doanh. Dưới đây là những bài học mà ông rút ra từ chính bản thân mình, và rất có thể, nó sẽ giúp ích khá nhiều cho những người muốn khởi động lại công việc kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

John Paul DeJoria được biết đến với tư cách là người đồng sáng lập của doanh nghiệp chăm sóc tóc nổi tiếng thế giới John Paul Mitchell Systems và sau này là Công ty Patrón Spirits.

John Paul DeJoria. Nguồn: Internet
John Paul DeJoria. Nguồn: Internet.

Làm việc chăm chỉ luôn luôn được đền đáp

DeJoria đã lưu ý trong các cuộc phỏng vấn trước đây rằng thế hệ thanh niên trẻ đang phải đối mặt với một số vấn đề, điều này đã tạo ra thái độ ngày càng bất bình trong thế hệ đi làm hiện nay, chẳng hạn như nợ sinh viên gia tăng, triển vọng kinh tế suy giảm và khó khăn trong việc đưa ra quyết định.

DeJoria có một thông điệp dành cho tất cả thế hệ thanh niên: "Bạn có thể vượt qua thời kỳ khó khăn miễn là bạn sẵn sàng làm việc và nỗ lực chứ không phải ngồi chờ đợi người khác giúp đỡ. Nước Mỹ vẫn tồn tại, nhưng để nó luôn tồn tại, bạn phải ra ngoài và hành động".

Ưu tiên việc kết nối trực tiếp với mọi người

Trong một cuộc phỏng vấn với Inc., tỷ phú Dejoria tiết lộ rằng ông không sử dụng email, thậm chí không sử dụng cả máy tính. Vị tỷ phú nằm trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ theo thống kê của Forbes luôn giữ mối quan hệ cá nhân với ít nhất một vài người trong số 10 công ty ông đang điều hành. Và nếu ông ấy có thể cưỡng lại được sự phân tâm với các thiết bị kỹ thuật số trong thời gian làm việc thì bạn cũng có thể làm được như vậy.

Một tin nhắn hay một email là cách tốt để duy trì các mối liên hệ, nhưng không có gì đánh bại được mối quan hệ được xây dựng dựa trên những cuộc trò chuyện trực tiếp. Nếu bạn muốn gia tăng doanh thu bán hàng trong thời gian tới, hãy ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho các mối quan hệ cũng như các kết nối cá nhân.

Trong kinh doanh, mạng lưới quan hệ chính là giá trị tài sản ròng của bạn. Nếu tinh thần kinh doanh là thứ bạn theo đuổi trong tương lai, vậy hãy chú trọng tới việc gặp gỡ trực tiếp, ngay cả khi chúng chưa dẫn tới việc doanh thu của bạn tăng lên ngay lúc này. Ít nhất, bạn có thể thiết lập cho mình một mối quan hệ hợp tác hoặc sẽ nhận được lời giới thiệu từ nhiều phía.

Đừng để quá khứ níu kéo bạn

Để những sai lầm, lý lịch và những nghịch cảnh khiến bạn sa lầy, sẽ chỉ hạn chế khả năng trong tương lai của bạn.

Về phần DeJoria, ông ấy thích nhìn về khía cạnh tươi sáng hơn. Vị tỷ phú nói: "Khi bạn thất vọng, hầu hết mọi người đều nghĩ về quá khứ và điều gì đã đưa bạn đến đó. Điều này sẽ không đưa bạn đến thành công mà hãy suy nghĩ về bước tiếp theo bạn nên làm gì. Đừng ở lại quá khứ- hãy tiến lên".

Có một sản phẩm nổi trội được khách hàng mua đi mua lại

Dejoria từng lưu ý trong một cuộc phỏng vấn CNBC năm 2017 rằng, đừng chỉ chăm chăm vào việc kinh doanh sản phẩm. Hãy tập trung vào việc giữ chân khách hàng. Nghiên cứu từ Bain & Company đã chứng minh cho những gì tỷ phú Dejoria nói. Cụ thể, nghiên cứu này chỉ ra rằng khi tỷ lệ giữ chân khách hàng tăng 5% thì lợi nhuận sẽ tăng từ 25% tới 95%.

Nếu một trong những mục tiêu của kế hoạch kinh doanh của bạn là thuyết phục khách hàng định kỳ mua lại cùng một sản phẩm, vậy hãy ưu tiên phát triển một sản phẩm đẳng cấp thế giới. Cùng với đó là cung cấp dịch vụ khách hàng đẳng cấp thế giới. Khi khách hàng yêu thích trải nghiệm của họ, họ sẽ trở thành một người giới thiệu nhiệt tình, và chính điều này sẽ lại giúp bạn có được những khách hàng mới, từ đó nâng cao lợi nhuận.

Đừng sợ bị từ chối

Việc nhận phải một loạt các lời từ chối – bất kể là dưới hình thức nào - rõ ràng sẽ khiến bạn vô cùng thất vọng. Đó có thể là việc một khách hàng đóng sầm cửa ngay trước mặt bạn, hay những email mãi không có lời hồi đáp. Thế nhưng, những doanh nhân thành công nhất không nhất thiết phải là những người thành thạo nhất trong lĩnh vực bán hàng hoặc tiếp thị, mà là những người kiên trì và nhanh chóng đứng lên sau thất bại.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự từ chối có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng và lòng tự trọng - hai nguồn lực quan trọng mà các doanh nhân sẽ làm mọi cách để bảo vệ. Vì vậy, hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để luôn giữ tập trung trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Mọi thứ không ổn không có nghĩa là đã kết thúc

Trong một cuộc phỏng vấn cho Tim Ferriss Show năm 2020, tỷ phú Dejoria đã có một câu nói truyền hy vọng và cảm hứng: “Cuối cùng thì mọi thứ sẽ ổn, và nếu mọi thứ không ổn thì nó cũng không có nghĩa là đã kết thúc".

Đó là một góc nhìn của tỷ phú Dejoria, sau khi chứng kiến sự ra đi bất ngờ của người đã cùng mình sáng lập John Paul Mitchell Systems. Paul Mitchell mắc bệnh ung thư tuyến tụy và qua đời năm 1989 ở tuổi 53, để lại Dejoria tiếp tục phát triển công ty mà cả hai đã cùng gây dựng.

Là một doanh nhân, bạn có thể dễ dàng sa vào các chi tiết cụ thể và quên đi bức tranh toàn cảnh, quên đi mục tiêu chung, đó là xây dựng một doanh nghiệp có trách nhiệm, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn và biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nếu bạn cảm thấy mình đang bị lạc lối, hãy nhìn lại, kết nối lại với thế giới thực để cân bằng lại bản thân.

Nhiều người trong chúng ta không có kiến thức chuyên sâu về bán hàng hoặc kinh doanh. Và trong quá trình bắt đầu kinh doanh, có thể bạn sẽ gặp thất bại, có thể bạn sẽ thường xuyên nhận được lời từ chối. Thế nhưng, hãy tìm cách để giữ cho ngọn lửa của bạn luôn rực sáng, và bạn sẽ sớm thấy mình đạt được những bước tiến dài trong việc xây dựng một đế chế của riêng mình.

My An (t/h)