Nhiều cơ hội phát triển ngành F&B thông qua triển lãm quốc tế lần thứ 12 về thực phẩm, đồ uống, nhà hàng, khách sạn

10:01 20/03/2024

Triển lãm Food & Hotel Vietnam 2024 là sự kiện nhằm mục đích xúc tiến thương mại, tạo cầu nối để các thương hiệu quốc tế đến gần với những nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và kinh doanh ẩm thực, dịch vụ lưu trú tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Food & Hotel Vietnam 2024 còn đồng hành cùng cộng đồng ngành F&B, nhà hàng, khách sạn Việt Nam với vai trò là một điểm đến cập nhật những thông tin, xu hướng mới nhất về ngành, tôn vinh, ươm mầm những tài năng trẻ trong ngành ẩm thực, pha chế.

Triển lãm nhận được nhiều sự quan tâm của khách trong và ngoài nước
Triển lãm nhận được nhiều sự quan tâm của khách trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh ấy, Food & Hotel Vietnam 2024 quay trở lại, thu hút nhà trưng bày đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Brazil, Campuchia, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hy Lạp, Indonesia, Italy (Ý), Malaysia, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Uzbekistan, Úc, Việt Nam và một số quốc gia khác, dự kiến thu hút hơn 17,000 khách tham quan chuyên ngành.

Ông
Ông - Ben Wong – Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam: phát biểu tại sự kiện.

Theo chia sẻ của ông Ben Wong – Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam: “Dinh dưỡng bền vững cho dân số ngày càng tăng là một trong những nỗ lực cần hướng đến của ngành thực phẩm Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi đáng kể về cách vận hành ngành ẩm thực và dịch vụ lưu trú. Bằng cách kết nối hệ sinh thái các nhà cung cấp thực phẩm, nhà hàng, khách sạn sáng tạo nhất từ khắp nơi trên thế giới, với hơn 300 nhà trưng bày và hàng nghìn thương hiệu khác nhau, chúng tôi hi vọng những nhà kinh doanh tại Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn cung ứng phù hợp, phát triển mạnh hoạt động kinh doanh, mang sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng.”

Ngành F&B và khách sạn được đánh giá là thị trường lớn của Việt Nam
Ngành F&B và khách sạn được đánh giá là thị trường lớn của Việt Nam.

Thị trường dịch vụ ăn uống Việt Nam dự kiến đạt 22.72 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024 và chạm mức 36.29 tỷ đô la Mỹ vào 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 9.82% trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023). Trong số đó, phân khúc tăng trưởng nhanh nhất là mô hình "bếp trên mây", với CAGR dự kiến chạm mức 18,12%. Theo một báo cáo khác của Mordor Intelligence, có khoảng 73,2% dân số đang tích cực sử dụng Internet, 53% trong số họ dùng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood và GoFood. Những ứng dụng giao hàng này đã thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng nhà hàng trên mây. Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng sẽ tăng trưởng 5,35%/năm trong giai đoạn 2023 – 2029. Thanh toán qua mã QR, đặt và giao hàng tận nhà đang trở nên phổ biến hơn ở các nhà hàng, quán ăn. Các lựa chọn đa dạng như gọi món, đặt hàng trước hay giao hàng nhanh đã khiến cuộc cạnh tranh giữa các nhà hàng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt là về giá cả. Bên cạnh đó, sự ra mắt của Michelin Guide và hoạt động du lịch cũng giúp ẩm thực nước ta được quảng bá rộng rãi đến quốc tế và mở rộng quy mô ngành.

Cùng với ngành thực phẩm, du lịch quốc tế cũng đã hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2023, thúc đẩy nhu cầu lưu trú và dịch vụ ăn uống. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 12.6 triệu người trong năm 2023, tăng 3.4 lần so với năm 2022, vượt mục tiêu 8 triệu đặt ra trước đó (Tổng cục Thống kê, 2023). Số lượng các doanh nghiệp lữ hành mới đăng ký và lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng tăng lên, với nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4 – 5 sao được đưa vào hoạt động. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 3,921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1,027 doanh nghiệp so với năm 2022. Tổng quan chung, Việt Nam hiện có khoảng 38,000 cơ sở lưu trú du lịch với 780,000 phòng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú 5 sao (80,896 phòng) và 368 cơ sở lưu trú 4 sao (50,716 phòng). Với những thành công trong năm vừa qua, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu đầy tham vọng, thu hút 17 – 18 triệu du khách quốc tế, hướng đến tổng doanh thu khoảng 34.6 tỷ đô la Mỹ (Tổng cục Du lịch Việt Nam, 2024).

Bà Vũ Kim Hạnh -
Bà Vũ Kim Hạnh -.Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá cao Triển lãm Food & Hotel 2024.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh khó khăn, thị trường suy giảm, Food & Hotel Vietnam 2024 mang đến cơ hội lớn, lợi ích lớn cho doanh nghiệp khi có thể kết nối trực tiếp, nhận những chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài cũng như tiếp cận những xu hướng ẩm thực mới của thị trường thế giới. Đây là cơ hội lớn để các DN Việt tiếp cận công nghệ mới, đối tác mới trên thế giới thay vì tốn chi phí rất lớn để ra nước ngoài học hỏi”,

Cùng với các xu hướng chung của khu vực châu Á, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng vào thực phẩm lành mạnh. Các gói thực phẩm và máy móc phục vụ nhu cầu nấu ăn tại gia, cũng như các sản phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng ngày càng được ưa chuộng. Nhu cầu về đạm thực vật dự kiến sẽ tăng 25% ở châu Á trong vòng 5 năm tới. Những lo ngại về sức khỏe và môi trường là động lực để người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thay thế thịt. Cùng với đó, thị trường thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng dự kiến đạt 71 tỷ USD vào năm 2025 do thu nhập khả dụng và nhận thức về sức của người tiêu dùng ngày càng tăng.

Tại sự kiện còn có cuộc thi Đầu bếp Việt Nam tài năng Vietnam Culinary Challenge (VNCC) 2024; cuộc thi tranh tài pha chế – Vietnam Barista Competition (VBC) hay cuộc thi mùi cà phê duy nhất tại Việt Nam – Vietnam Aromaster Championship (VAC). Tại đây, các tài năng trẻ, tương lai kiến tạo của nền ẩm thực và pha chế hiện đại sẽ được thể hiện tài năng thông qua cuộc thi.

Thị trường đồ uống được đánh giá mang lại doanh thu lớn cho ngành
Thị trường đồ uống được đánh giá mang lại doanh thu lớn cho ngành.

Ngoài ra, Triển lãm có nhiều chủ đề hội thảo chất lượng, sát với nhu cầu thị trường do một số nước tham luận như “Xu hướng F&B bền vững và cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam”, “Giới thiệu kiến thức cơ bản về đồ uống có cồn của Nhật Bản thông qua kinh nghiệm nếm thử và nhu cầu tại Việt Nam”; “Sự cải tiến và phát triển cho đóng gói thực phẩm - Công nghệ đóng gói khí cải tiến MAP” và các phiên thảo luận chính, bao gồm: “Người tiêu dùng ẩm thực Việt Nam khác với Đông Nam Á như thế nào? Điều này có ý nghĩa gì đối với thị trường dịch vụ thực phẩm?”, "Khám phá khẩu vị và thị hiếu địa phương ở Việt Nam so với các nước Đông Nam Á".

Thu Hiền