Nhật Bản, Đài Loan - hai thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam trong quý I/2024

15:40 09/04/2024

Quý I/2024 đã có 35.933 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Trong đó, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là hai thị trường chủ yếu tiếp nhận lao động Việt Nam.

Trong tháng 3/2024, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt con số 12.738 người. Tính từ đầu năm đến tháng 3/2024, đã có 35.933 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Trong đó, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là hai thị trường chủ yếu tiếp nhận lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, việc lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Một số lao động vi phạm hợp đồng bằng cách bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại các nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Họ muốn ở lại nước ngoài làm việc lâu dài và kiếm thu nhập cao hơn so với làm việc theo hợp đồng.

Nhật Bản, Đài Loan - hai thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam trong quý I/2024
Nhật Bản, Đài Loan - hai thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam trong quý I/2024.

Đáng chú ý, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phải tạm dừng việc tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 tại 8 địa phương của 4 tỉnh do vẫn chưa giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Ở Rumani, một thị trường được đánh giá là trọng điểm và tiềm năng, cũng đã xuất hiện tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra nước ngoài làm việc hoặc nghe theo những đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác. Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của lao động Việt Nam làm việc tại Rumani.

Trước tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra công văn yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang Rumani là giáo dục định hướng, phổ biến về những rủi ro của việc bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và trách nhiệm tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các trường hợp vi phạm pháp luật của lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài.

P.V (t/h)