Người phụ nữ nắm giữ vận mệnh của Huawei lộ diện

00:00 12/10/2020

Một trong ba phụ nữ quyền lực nhất Huawei, bà Teresa He Tingbo, lên tiếng trong lá thư trấn an nhân viên trước khủng hoảng của công ty.

Theo SCMP, bà Teresa He Tingbo, chủ tịch công ty HiSilicon thuộc sở hữu của Huawei, hiện là người nắm giữ vận mệnh của tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc sau khi bị Mỹ cấm vận. Bà là một trong ba phụ nữ quyền lực nhất tại Huawei, hai người còn lại là bà Chen Lifang, giám đốc điều hành của Huawei tại trụ sở Thâm Quyến, và Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), giám đốc tài chính tập đoàn, người bị giam lỏng tại Canada sau cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cũng giống như nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), bà Teresa He Tingbo có cuộc sống kín đáo và không xuất hiện trước truyền thông. Nhà sáng lập Huawei cũng từng thừa nhận bà Teresa He Tingbo kín tiếng đến nỗi phần lớn mọi người chỉ biết đến bà qua một số bức ảnh và không tin đó là một trong những nữ lãnh đạo cao cấp nhất Huawei. 

Bà Teresa He Tingbo, chủ tịch công ty HiSilicon. Ảnh: Huawei. 

Bà Teresa He Tingbo, chủ tịch công ty HiSilicon. Ảnh: Huawei. 

Huawei đang lâm vào khủng hoảng khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen và hàng loạt công ty ngừng hợp tác. Đòn chí mạng dành cho Huawei không phải là việc Google dừng cung cấp dịch vụ mà chính là quyết định chấm dứt hợp tác với Huawei của ARM, công ty cung cấp chip quan trọng trong sản xuất smartphone và các thiết bị điện tử. Thậm chí, những con chip như Kirin 980 mà Huawei luôn tự hào do HiSilicon sản xuất đều là sản phẩm dưới bản quyền của ARM.

Trước tình hình đó, bà Teresa He Tingbo đã phá vỡ sự im lặng hàng chục năm và lên tiếng trong lá thư gửi hơn 7.000 nhân viên HiSilicon vào ngày 17/5.

"Tất cả kế hoạch B mà chúng ta xây dựng đều trở thành kế hoạch A sau một đêm. Công ty đã chuẩn bị nguồn lực suốt nhiều năm và sẽ đảm bảo an toàn chiến lược cho hầu hết các sản phẩm", bà Teresa He Tingbo trấn an nhân viên.

Trong thư, bà Teresa khẳng định công ty đủ sức cung cấp các con chip thay thế tốt như Qualcomm và Intel của Mỹ cho các sản phẩm của Huawei gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, camera an ninh và thiết bị mạng viễn thông.

Trước khi lá thư bị rò rỉ lên mạng, người dân Trung Quốc không hề biết đến sự tồn tại của bà Teresa He Tingbo. Các tài liệu, văn bản có thể tìm trực tuyến trên website của Huawei hầu như không nhắc đến bà Teresa He Tingbo, ngoại trừ một thỏa thuận hợp tác với nhà cung cấp vi xử lý Tensilica của Mỹ năm 2013.

Chip do Huawei sản xuất. Ảnh: SCMP. 

Chip do Huawei sản xuất. Ảnh: SCMP. 

Theo tiểu sử đăng trên website Huawei, bà Teresa He Tingbo sinh năm 1969, có bằng thạc sĩ từ Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh. Bà gia nhập Huawei năm 1996 và từng giữ các vị trí kỹ sư trưởng, giám đốc nghiên cứu và phát triển của ASIC (mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng) tại HiSilicon và phó chủ tịch của nhóm nghiên cứu đổi mới 2012. 

Năm 2004, khi HiSilicon được Huawei mua lại, nhà sáng lập Ren Zhengfei đã hứa sẽ cho bà Teresa He Tingbo 20.000 nhân viên và 400 triệu USD cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D).

Thời điểm đó, tập đoàn Huawei có 30.000 nhân viên với ngân sách R&D hằng năm nhỉnh hơn 1 tỷ USD. Điều này cho thấy Huawei đã xác định việc HiSilicon trở thành con át chủ bài quan trọng trong sự phát triển của tập đoàn. 

Tám năm sau khi về tay Huawei, HiSilicon trở thành nhà thiết kế mạch tích hợp hàng đầu Trung Quốc, với doanh thu khoảng 7,5 tỷ USD năm 2018. Các loại chip của HiSilicon được công nhận tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu của HiSilicon đã tăng hơn 34% trong năm ngoái và được dự báo sẽ vượt mặt MediaTek của Đài Loan để trở thành công ty thiết kế chip lớn nhất châu Á, nếu không có biến cố vừa qua. 

Sơn Nam (Theo SCMP)